Cụ thể, Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận đã cử đoàn công tác đến kiểm tra và nhận định, việc một hộ dân tự san ủi trái phép khiến đất, cát từ trên đồi xuống phía biển với chiều dài khoảng 100m đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thắng cảnh nói trên. Riêng tại trước bãi đá Bà Khòm (bãi rêu Bình Thạnh) đã bị cát phủ ra tới mép nước biển, không còn nhìn thấy bãi đá con phía trước.
Còn tại bãi đá 7 màu cũng bị cát phủ lấp một phần.Việc san ủi trái phép nêu trên đã phá hủy toàn bộ thảm thực vật trên mặt đất và dải phân cách tự nhiên kéo dài khoảng 100m ngăn cách giữa bãi biển với thửa đất liền kề bị san ủi trái phép, đồng thời tạo ra núi cát cao khoảng 10m tiếp giáp với bãi biển, bãi rêu và bãi đá 7 màu kéo dài khoảng 100m. Nguy cơ cát tiếp tục phủ lấp lên trên bãi rêu và bãi đá 7 màu là rất cao, nhất là khi triều cường lên cao, gió mùa Đông Bắc, trời mưa. Nếu không có giải pháp hữu hiệu thì trong thời gian tới thắng cảnh này sẽ tiếp tục biến động do bị cát phủ lấp, không còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên vốn có.
Hiện tại, mặc dù UBND huyện Tuy Phong đang bố trí phương tiện cơ giới để đưa phần cát tràn lấp ra bãi biển lên phía trên và dự kiến sẽ trồng phi lao để chắn gió và ngăn cát tràn xuống biển. Tuy nhiên, xét về trực quan thì giải pháp nêu trên không khả thi về trước mắt cũng như lâu dài.
Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn công tác gồm các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực để kiểm tra, đánh giá cụ thể tình hình và đề xuất giải pháp khả thi để khôi phục, trả lại hiện trạng như trước đây cho thắng cảnh nói trên.