Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM, cho biết, trong năm qua, Hội Khuyến học TPHCM đã triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu đề xuất mô hình tổng thể về Thành phố học tập ở TPHCM” và chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030” theo quyết định của Thủ tướng. Thành phố hiện có 310/312 hội khuyến học phường, xã, thị trấn với hơn 4.600 chi hội khuyến học, gần 1,5 triệu hội viên...
Đánh giá cao kết quả hoạt động của hội những năm qua, GS.TS Nguyễn Thị Doan cho biết, kết quả có được nhờ sự quyết tâm, phối hợp của cả hệ thống chính trị gồm Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM, các sở ban ngành, đoàn thể. Để hoạt động tiếp tục đi vào chiều sâu đòi hỏi nhận thức của các cấp ủy, sự tham mưu tốt của Hội Khuyến học TPHCM, cam kết tham gia của các bên liên quan, trong đó việc đẩy mạnh nhận thức xây dựng cộng đồng học tập cho người trưởng thành là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn mới. Cần huy động nhiều nguồn lực về tài chính, tăng cường sức phấn đấu cho đội ngũ cán bộ quản lý, hội viên, không dừng lại ở việc trao học bổng cho đối tượng học sinh, sinh viên mà mở rộng chăm lo học tập cho người trưởng thành, kết hợp với việc xây dựng các tiêu chuẩn Công dân học tập, mô hình Gia đình học tập, Dòng họ học tập phù hợp bối cảnh xã hội mới.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trên địa bàn, bà Lê Minh Ngọc, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học TPHCM, đề xuất nhiều giải pháp như đưa các chuyên đề khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào chương trình bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý; lồng ghép phong trào khuyến học vào một trong các tiêu chí thi đua xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị; tăng cường vai trò của các trường đại học trong việc xây dựng xã hội học tập, phát triển kho học liệu mở…