Ngày 25-12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc tại TP Cần Thơ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. TP Cần Thơ thời gian qua đã đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực y tế, như: tuổi thọ trung bình của người dân đạt 76,52 tuổi; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 82,8% dân số; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng với 12 loại vaccine đạt 97%; số bác sĩ trên vạn dân đạt 15,09 bác sĩ...
Tại buổi làm việc, TP Cần Thơ cho biết tình hình bệnh tay chân miệng tại địa phương còn diễn ra phức tạp trong mùa mưa, đề nghị Bộ Y tế bổ sung thêm dự án phòng chống dịch bệnh này cho TP Cần Thơ nói riêng và cho cả vùng ĐBSCL nói chung; quan tâm kêu gọi đầu tư dự án Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ (quy mô 200 giường, vốn đầu tư dự kiến gần 800 tỷ đồng); đề nghị cần có chính sách để phát huy mô hình bác sĩ gia đình; quy định về tổ chức hoạt động và giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là các đơn vị tự chủ tài chính.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành y tế TP Cần Thơ, đồng thời bày tỏ sự đồng thuận cao đối với mô hình bác sĩ gia đình, đồng thời cho biết đây là xu thế phù hợp với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Đối với dự án Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng việc xây dựng sẽ rất tốn kém về nhân lực, đất đai, thiết bị, máy móc... Do đó, đề nghị thành lập trung tâm tim mạch thuộc bệnh viện đa khoa. Từ đó, hướng đến mô hình bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, chất lượng chuyên sâu ngang tầm với khu vực và quốc tế.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã làm việc tại Bạc Liêu. Ngành y tế tỉnh này đã nêu lên một số tồn tại như: thiếu hụt nguồn nhân lực y tế chuyên môn cao; chính sách tiền lương và biên chế đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa phù hợp; vẫn còn tình trạng bác sĩ bỏ bệnh viện công; người dân khám chữa bệnh vượt tuyến chiếm tỷ lệ còn cao...