Theo Bộ Công thương, kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan cho ASEAN, gần đây, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam đã tăng rất nhanh, gần 500.000 tấn trong 5 tháng đầu năm (cùng kỳ năm 2019 chỉ 55.000 tấn, cả năm 2019 là 300.000 tấn). Do vậy, Bộ Công thương đề xuất sẽ khởi xướng, điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan. Nếu phát hiện tình trạng nhập khẩu đường thô từ Thái Lan vào Lào và Campuchia tinh luyện rồi xuất khẩu sang Việt Nam (như ngành mía đường trong nước đang quan ngại) thì sẽ điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.
l Liên quan đến vụ việc Ủy ban chống bán phá giá Indonesia (KADI) công bố dự thảo kết luận điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ lạnh nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc vào ngày 30-7; sau thời gian phân tích các tài liệu của KADI và trao đổi với nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước có quyền và lợi ích liên quan, mới đây, Cục PVTM đã gửi thư tới KADI phản đối một số kết luận chưa phù hợp, không phản ảnh đúng tình hình thực tế của DN Việt Nam như thuế giá trị gia tăng, sự trùng lặp trong tính toán…
Từ các nội dung thiếu chính xác này đã dẫn tới biên độ bán phá giá cao và gây bất lợi cho DN Việt Nam. Cục PVTM đề nghị KADI thận trọng, xem xét tổng thể các yếu tố; sử dụng thông tin, dữ liệu do DN Việt Nam cung cấp, phù hợp với các quy định của WTO.