Ngày 21-12, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì hội nghị tổng kết mô hình tổ chức, hoạt động của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (2008-2018).
Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM được UBND TP thành lập vào năm 2008, trên cơ sở hợp nhất Viện Kinh tế TP, Viện Nghiên cứu Xã hội TP và sáp nhập Viện Quy hoạch Xây dựng (thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc).
Tại hội nghị, TS Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhận xét thời gian Viện Nghiên cứu Phát triển TP đã có những đóng góp nhất định vào quá trình hoạch định chủ trương, chính sách phát triển TP trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Phát triển TP vẫn chưa phát huy được tối đa vai trò trong quá trình góp phần tham mưu thực hiện chính sách; việc tham mưu nhanh theo chỉ đạo lãnh đạo TPHCM còn gặp khó khăn, do thiếu cơ sở dữ liệu. Đặc biệt, tổ chức bộ máy của Viện Nghiên cứu Phát triển TP hiện còn rời rạc, thiếu tính thống nhất; chưa có cơ chế đặc biệt để thu hút hoặc giữ chân cán bộ, viên chức trẻ, giỏi làm công tác nghiên cứu khoa học…
Cùng đó, chính việc Viện Nghiên cứu Phát triển TP chưa có Viện trưởng, mới có Quyền Viện trưởng (từ tháng 5-2015 đến nay) nên chưa có điều kiện phát huy tốt vai trò của thủ trưởng đơn vị trong quá trình lãnh đạo.
Trong khi đó, nguồn lực của Viện Nghiên cứu Phát triển TP chưa đảm bảo tốt tính kế thừa nên đội ngũ nghiên cứu viên chưa đủ về số lượng lẫn chất lượng. Việc tuyển dụng lại gặp nhiều khó khăn do mức lương thấp, chưa có cơ chế thu hút.
TS Trần Anh Tuấn cũng nhấn mạnh đến phương án kiện toàn hoạt động của Viện, đổi mới cách quản trị điều hành công việc của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.
Hiện nay, Viện Nghiên cứu Phát triển TP có 88 thành viên, trong đó có 8 tiến sĩ (gồm cả 1 Giáo sư và 2 Phó Giáo sư), 37 Thạc sĩ và 30 Cử nhân, Kỹ sư, Kiến trúc sư. Đơn vị cũng có 4 phòng chuyên môn, gồm Phòng Nghiên cứu Phát triển Kinh tế, Phòng Nghiên cứu Quản lý đô thị, Phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội và Phòng Nghiên cứu Tổng hợp cùng 2 phòng nghiệp vụ.
Viện Nghiên cứu Phát triển TP còn có một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc như Viện Quy hoạch Xây dựng, Trung tâm nghiên cứu phân tích thông tin TP…
Trong số đó, Viện Quy hoạch Xây dựng là đơn vị tư vấn chuyên ngành kỹ thuật cao, có truyền thống hoạt động về lĩnh vực quy hoạch xây dựng gần 40 năm, có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của TP. Tuy nhiên, từ khi sáp nhập đơn vị này vào Viện Nghiên cứu Phát triển TP, đơn vị này đã không phát huy được vai trò, chưa phát huy hết tiềm năng.
Do đó, TS Trần Anh Tuấn đề xuất tách Viện Quy hoạch Xây dựng ra khỏi Viện Nghiên cứu Phát triển TP.
Đồng thời, thành lập thêm Phòng Mô phỏng dự báo và phát triển thành Trung tâm Nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của TPHCM. Việc lập thêm phòng đáp ứng yêu cầu thực hiện đề án đô thị thông minh, vì qua đó sẽ phân tích, dự báo, mô phỏng xu hướng phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đặc biệt, việc lập thêm phòng mới sẽ đảm bảo không tăng thêm biên chế.
Ngoài ra, TS Trần Anh Tuấn kiến nghị được thí điểm cơ chế giao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua đặt hàng của Thành ủy, HĐND TP, UBND TP, từ đó tạo ra nguồn thu để tiến tới tự chủ tài chính và nâng cao thu nhập của cán bộ, viên chức.
Tại hội nghị, các nhà khoa học và lãnh đạo các sở - ngành nhận xét, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM có vai trò quan trọng cho phát triển của TPHCM và cả vùng, thậm chí góp phần đóng góp những mô hình, nghiên cứu cho cả nước.
Do đó, các đề tài, sản phẩm nghiên cứu khoa học cũng như những tham mưu, tư vấn của Viện Nghiên cứu Phát triển TP cần đảm bảo tính thực tiễn, có tính thời sự, định hướng trong chỉ đạo, điều hành, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách phát sinh.
Do đó, UBND TP cần có cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động của Viện Nghiên cứu Phát triển TP, đóng vai trò tư vấn và tham mưu vấn đề chính sách đối với TP. Đặc biệt là có các cơ chế, chính sách để Viện Nghiên cứu Phát triển TP tự chủ tài chính, có điều kiện thu hút chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đánh giá, thời gian qua, Viện Nghiên cứu Phát triển TP đã có những đóng góp tích cực trong việc tham mưu và tư vấn cho Thành ủy, UBND TP trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, đô thị, văn hóa xã hội…
Song, kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn, như hiện nay đã hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, nhưng do Viện Nghiên cứu Phát triển TP chậm trễ trong việc xây dựng, trình bộ tiêu chí về TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Ngoài ra, hoạt động của Viện còn thiếu tính chủ động, tính phản biện chưa cao, chưa chủ động đề xuất những đề tài giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn mà chủ yếu thực hiện tham mưu nghiên cứu theo chỉ đạo.
“TP đang thực hiện đề án đô thị thông minh, việc xây dựng Trung tâm dự báo và mô phỏng để dự báo các vấn đề phát sinh, qua đó có sự tư vấn, tham mưu kịp thời, giúp lãnh đạo TP có sự chủ động trong chỉ đạo, điều hành”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và khẳng định, TP luôn tạo điều kiện để Viện Nghiên cứu Phát triển TP phát triển đúng tầm đúng tầm.
Song song đó, Viện Nghiên cứu Phát triển TP cần tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động; đồng thời cần mạnh dạn, chủ động hơn trong hoạt động để có những sản phẩm tham mưu, tư vấn chất lượng cho lãnh đạo TP.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đồng ý với đề xuất từng bước để Viện Nghiên cứu Phát triển TP tự chủ về tài chính. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Phát triển TP cần mời gọi sự hợp tác từ bên ngoài, liên kết với các trường, viện, thậm chí liên kết với các cơ quan nghiên cứu của Trung ương như Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương để tranh thủ các thế mạnh của nhau và phát huy tốt nhất vai trò tham mưu, tư vấn của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.