Điều chỉnh một số đối tượng
Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị định kế thừa quy định của Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 7-12-2021 của Chính phủ (Nghị định 108). Bên cạnh đó, tại dự thảo, Bộ LĐTB-XH đề xuất điều chỉnh một số đối tượng so với Nghị định 108, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hàng tháng.
Cụ thể, Bộ LĐTB-XH đề xuất điều chỉnh đối tượng là người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ trước ngày 1-1-1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức chung có lương hưu, trợ cấp dưới 3 triệu đồng/tháng (điều chỉnh tăng từ 2,5 triệu đồng/tháng lên 3 triệu đồng/tháng).
Bộ LĐTB-XH cũng đề xuất bổ sung đối tượng là người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng và trợ cấp tuất hàng tháng trước ngày 1-1-1995 (đây là nhóm đối tượng không được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định 108).
Đồng thời, để đảm bảo tương quan với người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng và trợ cấp tuất hàng tháng từ ngày 1-1-1995 trở đi; theo quy định của luật BHXH thì mức hưởng của các đối tượng này được xác định dựa trên mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng và được điều chỉnh khi Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.
Thời điểm, mức điều chỉnh
Bộ LĐTB-XH đề nghị thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ ngày 1-7-2023, cụ thể như sau:
Tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của tháng 6-2023 đối với các đối tượng đã được điều chỉnh theo Nghị định 108, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng. Tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của tháng 6-2023 đối với các đối tượng chưa được điều chỉnh theo Nghị định 108.
Người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TPHCM. Ảnh: MINH HÒA |
Về việc điều chỉnh đối với người hưởng từ trước năm 1995 có mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng dưới 3 triệu đồng/người/tháng, theo Bộ LĐTB-XH, ngoài việc thực hiện điều chỉnh theo tỷ lệ chung đối với tất cả đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng, đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng theo quy định của Luật BHXH, thì việc thực hiện điều chỉnh thêm đối với những người hưởng lương hưu, trợ cấp từ trước ngày 1-1-1995 mà có mức hưởng dưới 3 triệu đồng/tháng được xác định là chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với những người đã có thời gian làm việc, cống hiến trong khu vực Nhà nước giai đoạn trước năm 1995 có mức hưởng thấp hơn so với mặt bằng chung.
Do đó, Bộ LĐTB-XH đề xuất điều chỉnh theo số tiền tuyệt đối, cụ thể: Những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng từ trước ngày 1-1-1995 sau khi điều chỉnh tăng thêm 12,5% theo mức điều chỉnh chung mà có mức hưởng thấp hơn 3 triệu đồng/tháng thì mức hưởng được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,7 triệu đồng/tháng trở xuống; và tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,7 triệu đồng/tháng đến dưới 3 triệu đồng/tháng. Bộ LĐTB-XH cho biết, với việc điều chỉnh nêu trên, dự kiến có khoảng 230.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ trước ngày 1-1-1995 thuộc đối tượng điều chỉnh do ngân sách nhà nước chi trả với kinh phí điều chỉnh khoảng 330 tỷ đồng.
Về việc bổ sung đối tượng là người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng và trợ cấp tuất hàng tháng trước ngày 1-1-1995, đây là nhóm đối tượng không được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định 108.
Để đảm bảo tương quan với người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng và trợ cấp tuất hàng tháng từ ngày 1-1-1995 trở đi; theo quy định của pháp luật BHXH, mức hưởng của các đối tượng này được xác định dựa trên mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng và được điều chỉnh khi Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.
Năm 2022, cả nước có 4,94 triệu người cao tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó, 2,7 triệu người hưởng lương hưu; 640.000 người hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; hơn 1,7 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Khoảng 9,6 triệu người già trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào và dự báo tăng lên 13 triệu người vào năm 2030.
Khảo sát của Chương trình Quỹ dân số Liên hiệp quốc cho thấy, nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.