Sơ đồ vị 2 hợp phần dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu TP Cần Thơ |
TP Cần Thơ vừa có tờ trình về việc đề xuất đầu tư dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Dự án 1) với tổng vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng.
Theo đó, dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu TP Cần Thơ bao gồm 2 hợp phần, gồm: Hợp phần 1 nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C đoạn qua TP Cần Thơ (dài 10,2km); Hợp phần 2 xây dựng đường nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang), với tổng đầu tư 2 hợp phần là hơn 262 triệu USD, tương đương 6.433 tỷ đồng.
Đối với dự án trên, TP Cần Thơ đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA vay từ Chính phủ Nhật Bản (khoảng 4.378 tỷ đồng) và nguồn vốn ngân sách thành phố (khoảng 2.055 tỷ đồng). Dự kiến, thời gian triển khai thực hiện dự án là từ năm 2023 – 2028.
Hợp phần 1 nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C đoạn qua TP Cần Thơ có chiều dài hơn 10,2km, mặt cắt ngang đường 23m (4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ), vốn đầu tư hơn 1.683 tỷ đồng.
Hợp phần 2 xây dựng đường nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) có chiều dài 25,5km, mặt cắt ngang đường 20,5m (4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ) vốn đầu tư 4.750 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBND TP Cần Thơ cũng vừa có tờ trình đề xuất dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Dự án 2) đầu tư xây dựng cầu Ô Môn bắt qua sông Hậu kết nối TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp.
Dự án có tổng mức đầu tư 9.187 tỷ đồng (từ nguồn vốn vay ODA và ngân sách địa phương), thời gian thực hiện từ năm 2023-2030.
Cầu Ô Môn dự kiến được xây dựng dạng cầu dây văng, nhịp chính dài 450m, mặt cầu rộng 26,5m (4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ), vận tốc thiết kế 80km/giờ, tổng chiều dài dự án là 5.400m.
Vị trí cầu Ô Môn có điểm đầu giao với Quốc lộ 54 (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) và điểm cuối giao với đường tỉnh 920 (quận Ô Môn, TP Cần Thơ).