Đề xuất đầu tư 122.250 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035

Sáng 3-6, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Quốc hội sáng 3-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Quốc hội sáng 3-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo đó, chương trình có các mục tiêu tổng quát: tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa; xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao; phát huy tính đại chúng, tính khoa học, tính dân tộc của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo; nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

1 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.jpg
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Ảnh: QUANG PHÚC

Chương trình có 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035. Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới.

Chương trình có 10 nội dung thành phần, trong đó có nội dung phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp: xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa…

Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2035 là 122.250 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2035 được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỷ đồng, chiếm 63% (bao gồm vốn đầu tư phát triển 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 27.000 tỷ đồng).

Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của chương trình. Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

Chính phủ cho rằng, tổng số vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay trong giai đoạn 2021-2025 là 192.586 tỷ đồng. So sánh, đối chiếu các nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu của 3 chương trình mục tiêu quốc gia này với 10 nhóm nội dung thành phần của chương trình, Chính phủ đề xuất tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là 77.000 tỷ đồng (trong đó 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 27.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp). Tổng nguồn vốn này là phù hợp, đảm bảo khả năng đáp ứng nguồn lực của ngân sách Nhà nước.

Chương trình cũng dự kiến bao gồm đầu tư xây dựng và hoạt động của các trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia.

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép chương trình thực hiện thời gian là 2025-2035.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, sáng 3-6. Ảnh QUANG PHÚC.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra.
 Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra, cho biết, ủy ban tán thành với sự cần thiết đầu tư chương trình. Việc thực hiện chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Ủy ban cũng cho rằng, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình cần phải được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước, nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa. Trong đó, cần chú ý các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong bảo tồn, phát triển văn hóa, phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; các nhiệm vụ mà Nhà nước cần đầu tư để dẫn dắt, định hướng, chi phối, tạo ra nền tảng để thu hút toàn xã hội tham gia phát triển văn hóa.

Chính phủ cũng cần đánh giá đầy đủ, toàn diện, chính xác thực trạng, nhu cầu để có cơ sở xác định chính xác mục tiêu, nhiệm vụ đầu tư; tính toán khả năng, mức độ đáp ứng của các nguồn vốn; tính khả thi, hiệu quả của các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, sản phẩm của chương trình. Chương trình cần có tính kế thừa nhưng không trùng lặp, chồng chéo với chương trình, đề án đã được phê duyệt và đang triển khai.

Ủy ban cho rằng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau trong xây dựng chương trình. Do đó, chương trình cần được nghiên cứu, đánh giá toàn diện; chuẩn bị hồ sơ bảo đảm chất lượng, đồng thời, bố trí thời gian phù hợp để Quốc hội cho ý kiến, thảo luận kỹ lưỡng trước khi quyết định. Ủy ban đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình tại 2 kỳ họp, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Tin cùng chuyên mục