70 nhóm kiến nghị được gửi tới VBF 2018
Sáng ngày 4-12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu. Đây là sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức. Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã tập hợp được 70 nhóm kiến nghị gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, Văn phòng Chính phủ nhận được 8 nhóm vấn đề, tập trung vào các vấn đề về những chậm trễ trong cải cách doanh nghiệp nhà nước; các quy định thiếu hấp dẫn trong thu hút FDI ngành khai khoáng... cũng như các tồn tại liên quan đến kiến tạo môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.
Gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư là các đề xuất, kiến nghị liên quan đến hình thức đầu tư công – tư (PPP) do những quy định hiện hành chưa rõ ràng, chưa thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia hình thức đầu tư này. Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng là một nhóm vấn đề mà doanh nghiệp bày tỏ băn khoăn.
Cụ thể là việc một số thuật ngữ chính được sử dụng trong Luật Đầu tư chưa được minh định rõ ràng, như khái niệm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài; điều kiện đầu tư kinh doanh...
Chỉ có 3 nhóm kiến nghị được gửi đến Bộ Công Thương, nhưng đều là các vấn đề khá “hóc búa”, liên quan đến đầu tư vào ngành điện, năng lượng; quy định về cấm kinh doanh rượu vang và rượu mạnh trên Internet và các nguồn năng lượng mới.
Bộ Giao thông – Vận tải nhận được 6 kiến nghị xung quanh nội dung về cơ sở hạ tầng và dịch vụ hàng không, quy định về kiểm soát khí thải xe máy, các quy định liên quan đến trung tâm kiểm định cũng như quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất lắp ráp ô tô...
Bộ Tài chính nhận được 4 nhóm ý kiến liên quan đến thuế, hải quan, những quy định đang cản trở sự thuận lợi trong thương mại và luồng hàng hóa...
Liên quan đến nguy cơ thiếu năng lượng, đại diện Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) gửi thông điệp đến Chính phủ Việt Nam: “Các công ty của chúng tôi đã sẵn sàng hợp tác và đầu tư vào các dự án nhằm góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết về năng lượng một cách bền vững, xét từ góc độ tài chính, môi trường và chuỗi cung ứng”. Tuy nhiên, AmCham cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi cần một thoả thuận mua bán năng lượng hợp lý hơn”. Nhận định rằng “có một nhu cầu rõ ràng và cấp thiết về việc giải quyết sự thiếu hụt ngày càng trầm trọng nguồn cung về năng lượng điện”, AmCham tự tin khẳng định rằng các công ty thành viên của mình là những công ty hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực này. AmCham bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ để đảm bảo sự phát triển năng lượng của Việt Nam, đáp ứng các mục tiêu an ninh môi trường, y tế, kinh tế và địa chính trị của đất nước. “Chúng tôi tiếp tục khuyến khích Chính phủ Việt Nam thúc đẩy nhanh dự án Cá Voi Xanh, dự án khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) Sơn Mỹ và những dự án tái tạo năng lượng ý nghĩa khác. Việt Nam cũng nên cập nhật và cải thiện cơ chế truyền tải năng lượng bằng cách tận dụng công nghệ dây cáp hiệu quả…”. |
Sớm có tiêu chí thống nhất về tiêu chuẩn của điều kiện kinh doanh
Phát biểu tại VBF cuối kỳ 2018, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định, dù đã có sự cải thiện đáng ghi nhận trong việc bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, nhưng do chưa thống nhất về tiêu chí xác định quy định nào cắt bỏ hay giữ lại nên kết quả còn hạn chế.
Ông Lộc đề xuất giao cho cơ quan độc lập giám sát việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.
“Cần sớm có tiêu chí thống nhất về tiêu chuẩn của điều kiện kinh doanh để bảo đảm hiệu quả và nhất quán”, Chủ tịch VCCI kiến nghị.
Trong cải cách thủ tục hành chính, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng mô hình trung tâm 1 cửa của Bộ Xây dựng (Bộ đầu tiên thành lập trung tâm một cửa cấp Bộ) là mô hình cần được nhân rộng.
“Đây là mô hình cho phép doanh nghiệp làm nhiều thủ tục đồng thời, hạn chế tối đa việc phải hoàn thành xong thủ tục này mới được làm thủ tục khác. Nhưng để làm được, cần tăng cường cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính”, Chủ tịch VCCI nói thêm.
Ông cũng cho rằng cần nghiên cứu để có cơ chế giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn; cụ thể là cần có một cơ quan, tổ chức độc lập khách quan giám sát quá trình giải quyết, đồng thời cần có đánh giá công khai kết quả giải quyết vướng mắc từ các doanh nghiệp.
Nỗ lực từ một phía là không đủ
Về phía các cơ quan Chính phủ, nhắc đến những chuyển biến tích cực của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, để đạt được những kết quả đáng kể này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mặc dù vậy, nền kinh tế cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ và “Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm đổi mới toàn diện nền kinh tế theo hướng kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục theo đuổi chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững gắn với quyết liệt thực hiện các đột phá lớn, đẩy mạnh hơn nữa đổi mới và nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển đồng bộ các loại thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, thị trường bất động sản”.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư, sự nỗ lực đến từ một phía là chưa đủ; mà cần có sự chủ động, tham gia tích cực của chính cộng đồng doanh nghiệp trong các hành động, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trong đầu tư, kinh doanh của Chính phủ.
Những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn này hay trong bất kỳ hoạt động nào khác sẽ đóng góp tích cực cho Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang cần thêm các kiến nghị hướng tới mục tiêu sớm vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, hướng đến tiêu chuẩn của các nước phát triển (OECD) và nâng cao hơn nữa xếp hạng quốc tế của Việt Nam; thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với phát triển các ngành công nghiệp cơ bản và công nghiệp hỗ trợ.