Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Cải cách và triển vọng trong một thế giới nhiều biến động” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 20-7 ở Hà Nội, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,85% trong quý 2 năm nay, mặc dù thấp hơn so với quý 1 (7,38%), song vẫn là mức tăng cao nhất của quý 2 trong 10 năm trở lại đây. Kết quả này giúp giảm áp lực điều hành trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2018 đã được Quốc hội phê duyệt (từ 6,5% - 6,7%).
Đưa ra dự báo cho cả năm, đại diện nhóm nghiên cứu CIEM cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,71% (cao hơn chút ít so với lần dự báo trước vào tháng 4-2018 là 6,67%). Như vậy, mức dự báo của CIEM thấp hơn một chút so với dự báo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (6,8%); nhưng cao hơn dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (6,6%).
Trong số những khuyến nghị chính sách, nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu ưu tiên, song cách thức ứng phó phải linh hoạt hơn, không chỉ dựa vào công cụ tiền tệ (đặc biệt là tỷ giá).
Nhóm nghiên cứu CIEM cho rằng cần hạn chế các chính sách tăng chi phí cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá cần được thực hiện một cách minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học, thận trọng và linh hoạt; tránh tư duy dồn việc điều chỉnh giá vào cuối năm; cân nhắc không bổ sung hoặc tăng các loại thuế và phí đối với xăng dầu để tạo thêm lợi ích và hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của khu vực tư nhân.
“Năm 2019 không nên điều chỉnh lương tối thiểu. Trong bối cảnh này nên hỗ trợ doanh nghiệp thay vì tăng chi phí cho họ”, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.