Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ga đầu mối phía Nam là ga Ngọc Hồi; ga đầu mối phía Đông là ga Lạc Đạo (tỉnh Hưng Yên); Ga đầu mối phía Bắc có ga Yên Thường, ga Yên Viên, ga Bắc Hồng (TP Hà Nội).
Định hướng phát triển đường sắt quốc gia khu vực đầu mối Hà Nội theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Theo lý giải của tư vấn, quy hoạch mạng lưới bố trí ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Ngọc Hồi, cách xa trung tâm TP Hà Nội khoảng 10km sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách đi tàu, đặc biệt là các khu vực phía bắc sông Hồng.
Mặt khác, loại hình đường sắt tốc độ cao có công nghệ tiên tiến, sử dụng đường riêng, giao cắt lập thể, không xung đột với các loại hình giao thông đô thị nên về cơ bản sẽ không gặp phải các tồn tại, bất cập của hệ thống đường sắt quốc gia hướng tâm hiện nay. Vì thế, việc kết nối đường sắt tốc độ cao vào đến ga Hà Nội, nhà ga vừa phục vụ hành khách đường sắt đô thị và hành khách đường sắt tốc độ cao là khả thi.
Về phương án tổ chức khai thác vận tải đường sắt khu đầu mối Hà Nội, đơn vị tư vấn đề xuất, trong giai đoạn đầu, toàn bộ tàu khách hướng tâm sẽ dừng tại các ga đầu mối trên tuyến vành đai, trung chuyển thông qua hệ thống giao thông công cộng của TP Hà Nội (xe buýt, đường sắt đô thị). Riêng tàu khách tốc độ cao được tiếp cận vào ga Hà Nội.
Trong giai đoạn sau, các đô thị vệ tinh phát triển đủ lớn, nhu cầu kết nối giữa đô thị vệ tinh và đô thị hạt nhân tăng cao, ngành giao thông sẽ xem xét tổ chức các đoàn tàu khách ngoại ô chạy hướng tâm để vận chuyển hành khách giữa đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh, hướng đến các đối tượng là người lao động, học sinh, sinh viên có nhu cầu đi lại thường xuyên.
Đối với tàu hàng, đường sắt sẽ tổ chức khai thác liên tuyến thông qua đường sắt vành đai. Trên đường vành đai ngoài các ga lập tàu, sẽ quy hoạch các ga dọc đường vừa có chức năng tác nghiệp kỹ thuật chạy tàu, vừa phục vụ xếp dỡ hàng hóa đáp ứng nhu cầu của địa phương.