Bộ Y tế vừa có báo cáo tổng kết về việc triển khai gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo Luật Dược 2016 và việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội.
Theo đó, Bộ Y tế cho biết, cả nước hiện có hơn 21.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc còn hiệu lực, trong đó, thực hiện các nghị quyết của Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, đến nay, Bộ Y tế đã công bố 10.304 thuốc tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31-12-2022. Trong số các thuốc nêu trên đã bao gồm các thuốc biệt dược gốc tham gia đàm phán giá, các thuốc tham gia đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương bảo đảm nguồn cung ứng thuốc trên thị trường.
Theo Bộ Y tế, việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc đã đảm bảo nguồn cung ứng thuốc trên thị trường, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thuốc được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đề xuất Quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực từ sau năm 2022. Bởi số lượng 10.304 thuốc đã được gia hạn số đăng ký thuốc sẽ hết hạn vào ngày 31-12-2022. Đồng thời năm 2023, có thêm 3.802 giấy đăng ký thuốc hết hiệu lực. Điều này dẫn đến số lượng hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc phải xử lý từ nay đến hết năm 2023 là rất lớn với hơn 14.000 thuốc, gây ra nguy cơ thiếu thuốc trầm trọng nếu không nhanh chóng xử lý.