UBND TPHCM vừa có báo cáo gửi Bộ LĐTB-XH đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2021 - 2024, đề xuất chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026 – 2030.
Theo UBND TPHCM, từ năm 2021 đến ngày 31-5-2024, TPHCM đã huy động tổng hơn 12.224 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo (đạt 80,72% của giai đoạn 2021 - 2025). Trong đó, nguồn vốn cho vay ưu đãi, tín dụng hơn 11.083 tỷ đồng; nguồn hỗ trợ chính sách không hoàn lại 1.111 tỷ đồng; kinh phí thực hiện chương trình là 29,766 tỷ đồng. Ngoài ra, TPHCM huy động hơn 424 tỷ đồng từ các nguồn lực khác để hỗ trợ hộ thuộc chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM.
UBND TPHCM đánh giá từ những chính sách hỗ trợ của chương trình giảm nghèo bền vững giúp cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày càng nâng cao nhận thức, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề, tìm kiếm việc làm... Đặc biệt, quan tâm học hỏi cách làm ăn cùng với sự quyết tâm vượt khó, vươn lên thoát nghèo và sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức đã góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của TPHCM.
Cụ thể, từ năm 2022, TPHCM không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia. Từ năm 2023, tiếp tục duy trì không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia; hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI “đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố” trước thời hạn 2 năm.
Dự kiến đến cuối năm 2024, TPHCM có 12/22 đơn vị quận, huyện, TP Thủ Đức hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo hoặc không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
UBND TPHCM đề xuất Bộ LĐTB-XH sớm trình Chính phủ ban hành quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026 – 2030. Trong đó, cho phép các tỉnh, thành được phép chủ động nghiên cứu, có thẩm quyền ban hành chuẩn nghèo đa chiều phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, trên cơ sở cao hơn quy định của chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Đồng thời, nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND các tỉnh, thành được quy định chỉ tiêu cụ thể để đảm bảo việc đánh giá tiêu chí nông thôn mới phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thực tiễn của từng địa phương. Do các địa phương có xây dựng chuẩn nghèo đa chiều cao hơn chuẩn nghèo đa chiều Quốc gia, khi áp dụng chỉ tiêu đánh giá tiêu chí nông thôn mới của Trung ương sẽ khó khăn cho địa phương khi thực hiện phấn đấu hoàn thành tiêu chí nông thôn mới…