Đề xuất chỉ nên thí điểm công chứng điện tử ở một số địa phương

Về công chứng điện tử, đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) cho rằng, đây là điểm mới nên thực hiện cần có lộ trình thí điểm, tiến hành thận trọng, có bước đi hợp lý. Trước mắt, chỉ áp dụng công chứng điện tử ở phạm vi hẹp với một số giao dịch đơn giản, ở những địa phương đáp ứng đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật…

Chiều 17-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng.

e0931f1af52656780f37.jpg
Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận tại tổ, chiều 17-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Thảo luận tại tổ TPHCM, ĐB Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, đồng tình với quan điểm giữ nguyên quy định hiện hành là thực hiện mô hình văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, có từ 2 công chứng viên trở lên.

ĐB Nguyễn Thị Lệ cho rằng, đây là ngành nghề kinh doanh có đặc thù, ảnh hưởng đến sự an toàn của các giao dịch trong xã hội.

72FB3FA6-292D-46D3-8D13-87948614A837-57757-0000189931B837FF.jpeg
ĐB Nguyễn Thị Lệ góp ý dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: VĂN MINH

Phân tích mô hình công ty hợp danh ít rủi ro hơn mô hình doanh nghiệp tư nhân, do vậy, ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị, cần thiết duy trì mô hình văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình công ty hợp danh, để đảm bảo trách nhiệm pháp lý của văn phòng đối với các cơ quan, tổ chức và khách hàng.

Về các trường hợp có thể công chứng bên ngoài trụ sở văn phòng công chứng, ĐB Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh việc giới hạn, thu hẹp phạm vi công chứng ngoài trụ sở là cần thiết, góp phần khắc phục tình trạng công chứng ngoài trụ sở không kiểm soát như thời gian vừa qua.

ff05ca3d6d01ce5f9710.jpg
ĐB Nguyễn Minh Đức góp ý. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Lệ cho rằng, những tổ chức hành nghề công chứng hoạt động nghiêm túc không cạnh tranh được với những tổ chức công chứng "dạo". Do đó, giới hạn một số trường hợp cụ thể là cần thiết. Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần rà soát, bổ sung thêm một số trường hợp khác để vừa đảm bảo tính nghiêm túc, không ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng.

Hiện nay, trong việc công chứng hồ sơ thành lập các doanh nghiệp còn tồn tại một số kẻ hở để các đối tượng lợi dụng giả mạo chữ ký trên hồ sơ rất nhiều. ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phân tích, khi điều tra các đại án mới phát hiện có giám đốc doanh nghiệp chỉ là người giúp việc, lái xe...

ĐB Nguyễn Minh Đức dẫn chứng trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã thao túng đến 95% cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và điều hành hơn 1.000 doanh nghiệp. Tất cả doanh nghiệp này được thành lập rất đơn giản và khi có địa vị pháp lý thì dùng hồ sơ vay vốn ngân hàng rất dễ dàng.

2bec40e08ddc2e8277cd.jpg
ĐB Nguyễn Thanh Sang góp ý dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: QUANG PHÚC

Về quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi, ĐB Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) đề nghị xem lại quy định độ tuổi miễn nhiệm công chứng viên. Vì thực tế hiện nay, có nhiều trường lớn tuổi vẫn đủ sức khỏe để hành nghề công chứng viên. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng cần có quy định rõ tiêu chí về sức khỏe của công chứng viên hơn là độ tuổi.

c25677d89de43eba67f5.jpg
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh góp ý. Ảnh: QUANG PHÚC

Về công chứng điện tử, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) cho rằng, đây là điểm mới, tuy nhiên với cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện nay cần có lộ trình thí điểm, thực hiện công chứng điện tử cần tiến hành thận trọng, có bước đi hợp lý. Trước mắt, chỉ áp dụng công chứng điện tử ở phạm vi hẹp với một số giao dịch đơn giản, ở những địa phương đáp ứng đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật…

Về thẩm quyền công chứng trong giao dịch bất động sản, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng, cần có giới hạn về công chứng trong giới hạn địa hạt bởi hiện nay, dữ liệu trong lĩnh vực này vẫn chưa đồng bộ, liên thông. Tình trạng giả mạo trong công chứng rất nhiều, cho nên việc bỏ giới hạn địa hạt trong công chứng lĩnh vực bất động sản sẽ có rủi ro lớn.

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã bổ sung 4 điều mới để quy định về công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử; việc công chứng điện tử phải bảo đảm các nguyên tắc cụ thể; việc cung cấp dịch vụ công chứng điện tử chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể.

Đồng thời, cũng quy định về khái niệm, thời điểm có hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng điện tử và việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy; quy định về quy trình công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng, là cơ sở để Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể về công chứng điện tử và triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng trên thực tế.

Tin cùng chuyên mục