Nhóm vấn đề thứ nhất là chủ trương di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội thành (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) nhằm giải tỏa áp lực hạ tầng giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông… mâu thuẫn với việc xây dựng quá nhiều khu chung cư, tạo áp lực cho giao thông và nhiều vấn đề xã hội khác.
Đáng lưu ý, ĐBQH cũng đặt vấn đề Nghị định số 48/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 quy định một số cơ chế chính sách tài chính – ngân sách đặc thù cho TPHCM, theo đó, ưu tiên nguồn vốn Trung ương đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội thành phố; song dự án xây dựng tuyến Metro (Bến Thành – Suối Tiên) lại chưa được bố trí kịp thời vốn, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của dự án.
Bên cạnh đó, giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% và đảm bảo chất lượng tăng trưởng; tái cơ cấu doanh nghiệp, phát triển các tập đoàn kinh tế đầu tầu tạo tiền đề phát triển chuỗi giá trị; chiến lược phát triển thị trường, cân đối vĩ mô về xuất nhập khẩu... cũng là vấn đề được ĐBQH quan tâm, đề xuất chất vấn Thủ tướng.
Các đại biểu cũng muốn chất vấn người đứng đầu Chính phủ về tiết kiệm chi thường xuyên, kết quả và giải pháp thực hiện. Vấn đề thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng; tái cơ cấu nông nghiệp (quy hoạch vùng, cơ cấu sản phẩm, nguồn lực, thị trường về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chống sạt lở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long)...
Giải pháp xử lý các khoản nợ xấu, các dự án thua lỗ kéo dài, trong đó làm rõ việc xử lý 12 đại án tham nhũng và giải pháp thu hồi tài sản bị thất thoát; hướng xử lý các dự án “nghìn tỷ” đắp chiếu và việc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng đó cũng nằm trong nhóm vấn đề được gửi đến người đứng đầu Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất 5 nhóm vấn đề trình Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 nhóm trong số đó để tiến hành chất vấn tại kỳ họp này. Đó là các vị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ trưởng Bộ Công an.
Căn cứ vào kết quả tổng hợp phiếu xin ý kiến đại biểu, sẽ có 4 vị Bộ trưởng/ Trưởng ngành được lựa chọn đăng đàn. ĐBQH cũng có thể đề xuất chất vấn thêm các bộ trưởng, trưởng ngành khác.
Nếu được chọn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đề nghị làm rõ giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới; biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hoá, phát triển nông nghiệp bền vững.
Nếu được chọn, Bộ trưởng KHĐT sẽ là người đăng đàn trả lời về giải pháp cụ thể huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển. Việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngan sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công. Nhóm vấn đề này cũng được lưu ý về trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.
Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh; vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh là nội dung sẽ được Bộ trưởng Bô Y tế trả lời.
Nhóm vấn đề thứ 4 là việc quản lý, cấp phép các hoạt động văn hoá, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hoá, thể thao; tổ chức lễ hội. Cùng với đó là các giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hoá ứng xử; xây dựng nếp sống văn hoá và bảo tồn, phát triển văn hoá xã hội. Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng ngành du lịch cũng là một nội dung sẽ được đề cập nếu các đại biểu Quốc hội chọn nhóm vấn đề này để chất vấn Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Dành cho Bộ trưởng Công an, nếu ông được chọn đăng đàn là nhóm vấn đề về công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Giải phá nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm hình sự, nhất là tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, xâm hại tình dục trẻ em, chống người thi hành công vụ.