Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) nhận xét, trong giai đoạn 2021-2023, tuy tình hình kinh tế còn rất nhiều khó khăn song tổng thu ngân sách nhà nước có kết quả tích cực, đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội.
Giai đoạn này, thu ngân sách đều vượt dự toán. Năm 2021, thu ngân sách vượt 233.000 tỷ đồng, 2022 vượt 406.000 tỷ đồng và năm 2023 vượt khoảng 133.000 tỷ đồng. Trên cơ sở kết quả nói trên, chính sách tài khóa mở rộng (thực hiện từ những năm trong và sau dịch Covid-19) chỉ nên thực hiện đến cuối năm nay, từ năm 2025 không nên tiếp tục duy trì.
Giải thích thêm về đề xuất này, ông Quỳnh cho biết, bắt đầu từ năm 2025 mở ra một chu kỳ mới, mà khi một chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh mới bắt đầu, khi doanh nghiệp trở lại bình thường sẽ điều chỉnh chính sách trở lại bình thường. Điều này cũng có nghĩa các chính sách miễn, giảm về thuế, phí như hiện nay cũng sẽ kết thúc. Đơn cử, trước đây giảm thuế giá trị gia tăng 10% về mức 8%, thì sau năm 2024 có thể quay trở lại 10%.
Cũng theo ông Quỳnh, hiện nay một số quốc gia đã thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt. Ví dụ Singapore tăng thuế hàng hóa, dịch vụ từ 7% lên 8% vào năm 2023 và lên 9% 2024, hay Cộng hòa Séc năm 2024 cũng đã tăng thuế thu nhập doanh nghiệp. “Một số các quốc gia khác thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, vì vậy, chính sách tài khóa của Việt Nam từ năm 2025 sẽ cố gắng trở lại như bình thường”, ông Quỳnh nói.
Tuy nhiên, đánh giá về quá trình thực thi cũng như hiệu quả của chính sách tài khóa trong những năm gần đây, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, nhận xét, với chính sách tài khóa, khâu thực thi các chương trình, chính sách hỗ trợ còn chậm nên chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Cụ thể, pháp luật về đầu tư công, đầu tư hình thức công - tư (PPP) chưa thực sự đồng bộ, đôi khi đa mục tiêu hoặc không rõ mục tiêu. Điều này dẫn đến hiệu quả đầu tư khu vực Nhà nước còn thấp, giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều chương trình, gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi 2022-2023 còn chậm và không đồng đều.
Trong khi đó, chia sẻ thêm về những hạn chế trong chính sách đối với hình thức PPP, dưới góc độ nhà đầu tư, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, cho rằng nguồn lực tài chính chưa được phân bổ hiệu quả, thiếu cơ chế kết nối giữa các nguồn vốn trong và ngoài nước, công cụ tài chính hiện đại và các dịch vụ tài chính số chưa phát triển đồng bộ.
Để cải thiện và nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn lực tài chính, vị doanh nhân này cho rằng cần cơ chế thu hút nguồn lực từ tư nhân, thúc đẩy hợp tác theo hình thức PPP.
Theo đó, hiện nay việc thu hút đầu tư PPP hiện vẫn chủ yếu diễn ra tại các dự án hạ tầng, bởi vậy thời gian tới Chính phủ cần mở rộng sang các dự án tài chính, các dự án lớn về cơ sở hạ tầng tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, năng lượng, công nghệ thông tin và các dự án công cộng có ý nghĩa chiến lược.
Đồng thời, để các cơ chế này thực sự phát huy hiệu quả, cần xem xét điều chỉnh luật pháp về PPP minh bạch và ổn định, nhất là về quy trình đấu thầu, phân chia rủi ro giữa các bên và bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư tư nhân.