Trong dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ bổ sung quy định mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã/phường/thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh/thành và bệnh viện tuyến huyện.
Bộ Y tế cũng đề xuất quy định mức phụ cấp 40% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt.
Theo Công đoàn Y tế Việt Nam, tính từ đầu năm 2021 đến tháng 6-2022, cả nước có gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).
Nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều cán bộ, nhân viên y tế công lập bỏ việc, nghỉ việc là do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Do tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập này, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp.