Sau khi nghe các cơ quan báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và thành phố Hà Nội tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện các nội dung với tinh thần khẩn trương, tạo điều kiện thuận lợi nhất về khung khổ thể chế cho Thủ đô Hà Nội. Với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhận định, đây là cơ hội rất tốt để hoàn thiện thể chế cho sự phát triển của thủ đô. Thành phố cần bám sát quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội để kịp thời đề xuất các nội dung thiết thực cho sự phát triển của thủ đô.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 và theo chương trình sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 khai mạc tháng 5 tới đây. Còn Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ sau khi có ý kiến của Quốc hội.
Theo chương trình phiên họp thường kỳ tháng 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa được Chủ tịch Quốc hội quyết định, UBTVQH sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn vào ngày 18-3-2024. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được yêu cầu trả lời chất vấn. “Chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, NN-PTNT, Công thương, KH-ĐT, Tài chính, VH-TT-DL, LĐ-TB-XH, Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ.