Đề xuất bổ sung quy định hành vi mua bán thai nhi cũng là hành vi mua bán người

Ngày 13-8, tại Nhà Quốc hội, trong khuôn khổ phiên họp chuyên đề về pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết, mục đích, quan điểm sửa đổi và nội dung cơ bản của dự thảo Luật; đồng thời tham gia nhiều ý kiến tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật này.

12.8_ubtvqh_chuyen_de_phap_luat_0.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Đáng chú ý, tại cuộc họp, các đại biểu đề nghị cần xem xét bổ sung vào dự thảo luật quy định về mua bán thai nhi cũng là phạm tội mua bán người.

Đại tá Vũ Xuân Đại, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết, tội phạm mua bán trẻ sơ sinh và mang thai hộ, qua thực tiễn đấu tranh của Bộ đội Biên phòng ở khu vực biên giới, kết hợp với lực lượng công an đã phát hiện rất nhiều vụ việc rất nghiêm trọng.

Các đối tượng này lợi dụng vào việc xuất nhập cảnh cho phép mang thai, song sang bên kia và sinh con. Tội phạm mua bán người và đặc biệt mua bán trẻ sơ sinh và mang thai hộ có chiều hướng diễn biến rất phức tạp.

Việc mua bán này không chỉ vi phạm quyền của thai nhi mà vi phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người. Nếu xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con bán cũng có dấu hiệu phạm tội. Việc bổ sung các hành vi trên vào tội mua bán người sẽ thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của thai nhi, phù hợp với các giá trị đạo đức và nhân văn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, nếu như mua bán người là người đã được sinh ra rồi thì đưa qua biên giới thường sẽ rất khó khăn. Nhưng các đối tượng mua bán người đã sử dụng các thủ đoạn rất xảo quyệt ở chỗ là mua bán sớm từ giai đoạn bào thai. Thực trạng này đòi hỏi cần có các biện pháp để ngăn chặn.

Do đó, với một luật chuyên ngành như Luật Phòng, chống mua bán người cần thiết phải có quy định rất cụ thể để có thể tạo ra những cơ sở pháp lý rõ ràng, từ đó mới xử lý được hành vi nói trên. Muốn như vậy thì luật chuyên ngành đó phải xác định tình trạng pháp lý của thai nhi. Điều này cũng phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Theo Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em thì trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi được coi là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em.

Song hiện nay, theo pháp luật hình sự Việt Nam, chỉ được xem là người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra, còn ở trong bụng mẹ thì chưa được xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. Do vậy, cơ quan chức năng hiện rất khó khăn khi không có căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi.

Tin cùng chuyên mục