Theo Bộ Y tế, đến nay, cả nước có hơn 93% dân số tham gia BHYT. Đồng thời, trên 18.000 dịch vụ kỹ thuật y tế, bao gồm cả những dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn như: can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật nội soi, MRI, CT, PET-CT…, đã được quỹ BHYT thanh toán. Tuy nhiên chi phí cho y tế từ tiền túi của người dân vẫn cao.
Nguyên nhân của thực trạng này là các dịch vụ phòng ngừa cá nhân, như: khám bệnh, phát hiện nguy cơ, chẩn đoán, điều trị sớm, ngăn ngừa tiến triển bệnh tật, bệnh mạn tính, phục hồi chức năng, chăm sóc tại nhà, điều trị bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động tại nơi làm việc không thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT.
Cùng với đó, nhiều người ít có thói quen hoặc không đủ điều kiện thường không đi khám sức khỏe hoặc chẩn đoán sớm mà đến khi có bệnh, bệnh tiến triển nặng mới đến cơ sở y tế. Do đó, hiệu quả chăm sóc sức khỏe chưa cao, tỷ lệ mắc bệnh gia tăng, tạo gánh nặng và tốn kém về đầu tư cho hệ thống khám chữa bệnh, không bảo đảm nguyên tắc phòng ngừa bệnh tật từ xa, từ sớm.
"Những bất cập nêu trên là một phần nguyên nhân khiến tỷ lệ chi tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe cao, chiếm tới 43%", Bộ Y tế nêu rõ.
Trước những bất cập trên, trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất nhiều phương án nhằm giảm tỉ lệ chi tiền túi của người dân cho y tế, như: đề xuất gói BHYT bổ sung, thêm kinh phí cho khám chữa bệnh từ quỹ BHYT, ưu tiên mở rộng chi trả BHYT cho sàng lọc một số bệnh có nguy cơ mắc cao, gánh nặng bệnh tật lớn nhưng khi phòng ngừa sớm sẽ mang lại tính hiệu quả cao, như: ung thư cổ tử cung, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan, ung thư vú.
Theo Bộ Y tế, giải pháp mở rộng sàng lọc, chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh sẽ giúp tăng khả năng bảo đảm tài chính cho người dân. Đặc biệt, người dân sẽ được quỹ BHYT chi trả, góp phần đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ chi tiền túi hiện là 43% xuống còn khoảng 23% vào năm 2025.