Theo đó, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế thống nhất tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc năm 2018 như sau: Đối với các bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc tối đa bằng 30% tổng chi phí thuốc.
Đối với các bệnh viện hạng 1 trực thuộc sở y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 25% so với tổng chi phí thuốc.
Bệnh viện hạng 2 và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 15% so với tổng chi phí thuốc.
Bệnh viện hạng 3 và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 4% so với tổng chi phí thuốc.
Nơi nào đang sử dụng tỷ lệ cao thuốc biệt dược gốc thì phải điều chỉnh giảm để không quá mức tối đa. BHXH Việt Nam đề xuất không sử dụng biệt dược gốc tại các cơ sở khám chữa bệnh hạng 4, trạm y tế xã, các cơ sở khám chữa bệnh không phân hạng.
Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua biệt dược gốc đã hết bản quyền để giảm giá thuốc và việc thay thế biệt dược gốc bằng các thuốc generic nhóm 1 là nhóm có tiêu chuẩn cao nhất hiện nay.
Theo BHXH Việt Nam, chi phí sử dụng thuốc biệt dược gốc trong khám chữa bệnh BHYT năm 2016 là hơn 8.000 tỷ đồng, bằng 26% tổng chi phí thuốc.
Trong đó, tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc tại bệnh viện tuyến trung ương chiếm 47% tổng chi phí thuốc, tuyến tỉnh 24% và tuyến huyện 7%. Chi phí thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền có 1 - 3 loại thuốc generic nhóm 1 thay thế trở lên là gần 3.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tới đây danh mục thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền sẽ tăng lên. Hiện có 698 thuốc biệt dược gốc, trong đó 447 loại thuốc hết hạn bảo hộ độc quyền.
Trong số thuốc hết hạn bảo hộ độc quyền, có 81 thuốc đã có từ 3 số đăng ký nhóm 1, 185 thuốc có 2 số đăng ký nhóm 1 nên có thể dùng thay thế biệt dược gốc.