
Ngày 25-2, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Trí tuệ nhân tạo: định hướng chiến lược và giải pháp chính sách cho Việt Nam”.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chủ trì tọa đàm.
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, AI mang lại những lợi ích cơ bản, giúp các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, chung tay tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng AI hữu ích, đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, AI cũng đem lại những nguy cơ, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh… Do đó, cần làm rõ định hướng chiến lược phát triển AI, từ đó đề xuất các giải pháp chính sách cho Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, hội thảo nhằm xác định thực tế AI tại Việt Nam và dự báo để thiết lập các giải pháp, bước đi ứng dụng AI tại Việt Nam. Qua đó, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, Việt Nam cần chủ động và tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế về AI, đồng thời phát huy vai trò và vị thế quốc gia trong việc thúc đẩy sử dụng AI một cách có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
PGS- TS Nguyễn Long Giang, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề xuất xây dựng một nền tảng số quốc gia, phục vụ cho việc nghiên cứu phát triển và định hướng ứng dụng AI. Trong đó, tập trung vào hai trụ cột chính là hạ tầng dữ liệu phục vụ AI và hạ tầng tính toán, môi trường tính toán, tức công cụ phục vụ cho việc nghiên cứu phát triển AI. Để xây dựng nền tảng số quốc gia, cần huy động cộng đồng, các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn chung tay với Nhà nước.
Giáo sư chuyên ngành AI Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho rằng, cần khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp về AI nhằm tăng cường sự tự chủ, tránh sự lệ thuộc, mất kiểm soát đối với các công ty công nghệ nước ngoài, đó là điều mà Việt Nam cần chú ý.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đề xuất ban hành luật về AI và kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành, quy định rõ ràng về trách nhiệm, chế tài và nghĩa vụ của các công ty công nghệ.
Đồng thời, cần xây dựng các cơ chế giám sát và kiểm tra chặt chẽ đối với các công ty công nghệ, các tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm AI.