Điểm mới của dự thảo là để “tính đúng, tính đủ các chi phí”, tránh lỗ cho EVN, Bộ Công thương đề xuất đưa thêm tổng các chi phí khác chưa được tính vào giá điện để làm cơ sở tính giá điện. Đó là các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa tính vào giá bán lẻ điện, bao gồm cả khoản chênh lệch tỷ giá chưa được phân bổ.
Trong dự thảo lần này, Bộ Công thương tiếp tục bảo lưu đề xuất, khi biến động chi phí đầu vào khiến giá bán lẻ điện bình quân theo tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì EVN phải điều chỉnh giảm với mức tương ứng. Trong trường hợp biến động chi phí đầu vào dẫn đến giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì EVN được phép tăng giá điện.
Tuy nhiên, trường hợp biến động chi phí đầu vào dẫn đến giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô thì Bộ Công thương phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Thời gian mỗi kỳ điều chỉnh giá điện rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng.