Đề xuất 2 phương án phát triển cảng Liên Chiểu

Sau gần 1 năm ký kết Biên bản ghi nhớ triển khai, đoàn tư vấn JICA đã hoàn thành dự thảo báo cáo cuối kỳ dự án. Đây là cơ sở quan trọng để TP Đà Nẵng xem xét, triển khai các bước tiếp theo.

 

Vị trí dự kiến xây dựng cảng Liên Chiểu (TP Đà Nẵng)
Vị trí dự kiến xây dựng cảng Liên Chiểu (TP Đà Nẵng)

Chiều 13-4, UBND TP Đà Nẵng và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo khảo sát thu thập số liệu dự án phát triển cảng Liên Chiểu (hợp phần PPP).

2 phương án phát triển cảng Liên Chiểu

Ông Thi Ha, Trưởng đoàn tư vấn JICA đưa ra một số điểm cấp thiết để sớm xây dựng cảng Liên Chiểu. Theo nghiên cứu của đơn vị, lượng hàng hóa tại cảng Tiên Sa đang gia tăng trung bình 13%/năm đối với tổng sản lượng và 20%/năm đối với hàng hóa container trong 10 năm gần đây. Đồng thời, lượng hàng hóa sẽ đạt tối đa công suất của cảng trong vòng vài năm tới.

Về phương án phát triển cảng Liên Chiểu, đơn vị đưa ra 2 trường hợp có thể di dời chức năng cảng hàng hóa từ cảng Tiên Sa sang cảng Liên Chiểu.

Trường hợp 1 sẽ bắt đầu từ năm 2031. Trong đó, cuối năm 2026 hoặc 2027 sẽ có 2 bến, đến năm 2031 có 4 bến (việc di dời hàng hóa sẽ bắt đầu và hoàn thành vào năm 2034) và năm 2038 sẽ có 6 bến.

Trường hợp 2 sẽ bắt đầu từ năm 2041. Trong đó, cảng Liên Chiểu được phát triển và khai thác vào cuối năm 2026 hoặc 2027 với 2 bến, đến năm 2031 có 3 bến. Đến năm 2035 cảng có 4 bến và năm 2038 sẽ là 5 bến.

"Thời gian tới, cảng Tiên Sa vẫn sẽ là cảng đa năng. Cảng Tiên Sa tiếp tục đảm nhận xếp dỡ hàng tổng hợp và hàng container cho đến thời điểm nêu trên sẽ di dời hàng hóa từ cảng Tiên Sa sang cảng Liên Chiểu", ông Thi Ha nói.

Cạnh đó, đơn vị tư vấn cũng kiến nghị TP Đà Nẵng nên nghiên cứu năng lực đường bộ bao gồm hiện trạng cải tạo đường bộ. Ngoài ra, TP Đà Nẵng cùng với các tổ chức liên quan và đơn vị khai thác cảng cần thống nhất về sản lượng hàng hóa của cảng Tiên Sa dựa trên kết quả này và giai đoạn chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa đến cảng Liên Chiểu.

“TP Đà Nẵng nên tiến hành nghiên cứu chuẩn bị di dời chức năng cảng Tiên Sa, trong đó bao gồm giai đoạn thực hiện phù hợp dựa trên Quy hoạch chung của TP Đà Nẵng, phương án đền bù và kế hoạch sử dụng đất sau khi di dời", ông Thi Ha đề xuất.

Đồng thời, ông Thi Ha cho rằng, TP Đà Nẵng cần tiến hành một số nghiên cứu bổ sung đối với phương án bố trí cho đê chắn sóng, cát thải và đất bồi lắng ở cửa sông để có được phương án bố trí cảng tối ưu; cần chốt quy hoạch mạng lưới đường sắt mới và quy hoạch ga hàng hóa mới để nghiên cứu cụ thể hơn mạng lưới đường sắt đến cảng Liên Chiểu.

Sau quá trình nghiên cứu, với sự phối hợp của Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải và các sở ngành liên quan, đoàn Tư vấn JICA đã hoàn thành dự thảo Báo cáo cuối kỳ dự án
Đối với phương án phát triển cảng Liên Chiểu (PPP), đơn vị tư vấn kiến nghị khu vực công gồm các công trình đê chắn sóng, kè, tôn tạo, cải tạo đất, nạo vét luồng, cấp điện, cấp nước và đường kết nối. Đối với khu vực tư nhân, các doanh nghiệp sẽ tiến hành đầu tư bến, mặt bãi, thiết bị xếp dỡ hàng hóa và các công trình tòa nhà.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dự án

Ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP Đà Nẵng cho hay, báo cáo của đơn vị JICA cần bổ sung 2 nội dung quan trọng gồm: tác động của các yếu tố Hải Vân ảnh hưởng đến khu vực biển khác của Đà Nẵng và các khu vực lân cận; đánh giá lượng và chất nạo vét trong quá trình triển khai dự án cùng một số nội dung liên quan về tác động môi trường theo quy định bắt buộc về biển ở Việt Nam.

Đánh giá sơ bộ, theo ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, dự án có thể ảnh hưởng đến 10.000 dân trong khu vực phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Việc tìm kiếm khu vực để có thể bố trí 10.000 dân sau khi di dời là một điều khó khăn đối với địa phương vì diện tích đất ở trên địa bàn không nhiều.

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhìn nhận, kết quả nghiên cứu của JICA sẽ giúp TP Đà Nẵng có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Thông qua buổi làm việc, ông Nam đề nghị đơn vị tư vấn JICA tiếp tục phối hợp với Ban quản lý các dự án xây dựng và đầu tư TP Đà Nẵng và các sở liên quan hoàn chỉnh nội dung kết hợp với nội dung đã làm việc với UBND quận Liên Chiểu để gửi UBND TP Đà Nẵng.

"TP Đà Nẵng cam kết hỗ trợ tốt nhất và chặt chẽ với cơ quan tư vấn để hoàn thành việc triển khai cảng Liên Chiểu", ông Nam khẳng định.

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo
Theo Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng đã yêu cầu UBND TP Đà Nẵng khẩn trương triển khai các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh các bến cảng bảo đảm công khai, minh bạch tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các quy định liên quan. Do đó, công tác chuẩn bị kêu gọi nhà đầu tư cho dự án cảng Liên Chiểu cũng là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng, cần thực hiện song song với hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung. Vì vậy, sự tham gia và hỗ trợ của JICA đến thời điểm này là thật sự cần thiết, tạo tiền đề cho sự phát triển của cảng Liên Chiểu.

Tin cùng chuyên mục