Trong khoảng thời gian này cũng chứng kiến tốc độ đô thị hóa tại TPHCM như vũ bão; đi cùng quỹ “đất ở” vừa mở rộng vừa khan hiếm do lượng dân số tăng nhanh thì quỹ “đất học” (số trường, lớp phải mở ra cho kịp với nhu cầu giáo dục của xã hội) lại ngày càng bị thu hẹp dần. Vì thế, trường học đối diện áp lực quá tải về sĩ số.
Tính đến tháng 12-2022, 12/22 quận, huyện đạt chỉ tiêu 294 phòng học/10.000 dân. Tỷ lệ này không đồng đều giữa các cấp học, trong đó tỷ lệ thực hiện ở cấp tiểu học và THCS thấp. Đi cùng đó là hiện trạng thiếu vốn, giá đất cao, quỹ đất giao nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thành việc xây dựng cơ sở giáo dục, thực tế đầu tư cho giáo dục không có lãi cao nên kêu gọi, thu hút đầu tư không dễ… Thực tế đó càng khiến cho nhiệm vụ hiện thực chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi) bằng nguồn lực xã hội hóa của TPHCM càng thêm nặng nề, nhưng không phải là không khả thi nếu có các giải pháp mang tính thúc đẩy.
Có thể kể, về cơ chế đất đai, thành phố cần quan tâm đến các khu vực đất rộng, ít trường và các khu vực cần phát triển. Chẳng hạn như quận 12, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn. Ở những khu vực này, cân nhắc khung giá đất riêng cho giáo dục bằng 1/10 hoặc 1/15 giá đất nhà ở. Với quỹ đất thuộc loại có sẵn, chủ yếu là đất nông nghiệp, nhưng phải chuyển đổi mục đích sử dụng - quy hoạch, thì Nhà nước có thể hỗ trợ việc điều chỉnh quy hoạch cùng các thủ tục liên quan. Với loại đất có sẵn mà chưa đủ thì mua thêm hoặc Nhà nước cấp đất cần tạo điều kiện giải phóng mặt bằng và tăng thời gian thuê đất lên 70 năm.
Cũng cần có nhiều hình thức như cho thuê, xã hội hóa hoặc chuyển đổi dần mục đích sử dụng của các cơ sở hạ tầng sẵn có thành hình thức công-tư kết hợp để tận dụng nguồn vốn tư nhân đầu tư vào giáo dục (như có thể trưng dụng các trung tâm giáo dục thường xuyên, nhà văn hóa thanh thiếu niên, các cơ sở giáo dục hoạt động không hiệu quả...). Xem xét chuyển đổi một phần diện tích đất thương mại dịch vụ sang đất giáo dục, chuyển đổi các dự án bất động sản đang xây dở dang hoặc được cấp phép mà không tiến hành xây dựng thành trường học và không xây các trường công liền kề với trường (hoặc đất) mà các doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư xây dựng. Tiến hành rà soát các dự án chậm tiến độ, thu hồi, tổ chức đấu giá cho các nhà đầu tư mới (đặc biệt những dự án có đất giáo dục mà chưa làm thì sẽ cưỡng chế chuyển sang cho nhà đầu tư mới).
Ưu đãi vốn vay bằng các cơ chế bù lãi suất, lãi suất thấp, thời hạn dài là chính sách TPHCM đã làm tốt trong thời gian qua và tiếp tục thúc đẩy. Cụ thể, áp dụng thời gian hỗ trợ vốn ưu đãi tối đa 8-10 năm kể từ khi trường/cơ sở giáo dục bắt đầu hoạt động; tạo điều kiện cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào giáo dục thành phố với phương thức chuyển tiền nhanh, gọn và giảm bớt thủ tục; hỗ trợ từ 30% đến 50% kinh phí mà cơ sở giáo dục ngoài công lập phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho cán bộ quản lý và giáo viên cơ hữu đạt chuẩn trình độ theo quy định đang làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Nhóm chính sách cho các doanh nghiệp giáo dục tư nhân như tăng cường tự chủ cho trường tư thục phát triển cũng nên được nghiên cứu. Trường tư có thể được tự quyết định các chương trình giảng dạy quốc tế hoặc các chương trình song ngữ, các hoạt động ngoại khóa chuyên môn; được chủ động về chỉ tiêu tuyển sinh theo chuẩn cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên; hay một số đề xuất được chủ động chọn sách giáo khoa, chương trình học theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cùng với đó, áp dụng linh hoạt chính sách miễn thuế khi doanh nghiệp bắt đầu triển khai dự án đầu tư; giảm thuế hoặc ưu đãi thuế đặc biệt dành cho các doanh nghiệp đầu tư giáo dục trong giai đoạn 5-10 năm kể từ khi đầu tư có lãi; cấp phép nhanh và giảm lược các thủ tục hành chính khi các doanh nghiệp giáo dục tư nhân xin giấy phép đầu tư xây dựng trường; tạo điều kiện về việc bố trí lớp học (nửa ngày, bán trú) và phân bổ chương trình phù hợp (tích hợp, trực tuyến...).
Những giải pháp nêu trên đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích thị trường và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục trên địa bàn thành phố.