Nói đúng hơn, kết quả này phù hợp với chiến lược đầu tư cho thể thao đỉnh cao trong nhiều năm qua.
Có thể mô tả sự tiến bộ này qua môn điền kinh, một môn thi cơ bản nhất của thể thao Olympic và ít chịu tác động từ các quốc gia chủ nhà cũng như điều kiện thi đấu tiêu chuẩn. Ở kỳ SEA Games trước, điền kinh Việt Nam đã có vị trí đứng đầu với 17 HCV, còn tại SEA Games 30, dù chỉ có 16 HCV nhưng điền kinh Việt Nam vẫn là số 1 khu vực.
Chúng ta có huy chương gần như trên tất cả các cự ly chạy. Đây là ưu thế vốn được xây dựng từ kỳ SEA Games 2003 đến nay và qua mỗi kỳ SEA Games đều có những bước tiến về số lượng. Cũng trên cơ sở đó, điền kinh đã có huy chương tại Asiad cũng như các giải vô địch châu lục hàng năm. Một số môn thể thao Olympic khác như bơi, vật, cử tạ thì Việt Nam cũng vượt Thái Lan. Chiếc HCV môn bóng đá nam chính là sự khép lại hoàn hảo cho một kỳ SEA Games mà thể thao đỉnh cao của Việt Nam đã khẳng định được nội lực cũng như định hướng đầu tư của mình.
Tuy nhiên, việc giữ mình trên đỉnh cao và việc phát triển mạnh hơn nữa lại là hai việc không giống nhau. Để có số lượng huy chương đứng đầu, có thể đến từ việc tham gia nhiều nội dung thi hơn, nhưng nếu để vươn từ đẳng cấp Đông Nam Á lên tầm châu lục, lại gần như làm lại từ đầu. Không phải cứ dồn việc đầu tư cho một VĐV đang là số 1 Đông Nam Á thì VĐV đó sẽ đạt được thành tích châu Á. Có khi, cần phải bắt đầu từ một tài năng trẻ khác, áp dụng phương thức làm nên thành công, nhưng mức độ đầu tư lại phải thay đổi.
Lấy ví dụ như Nguyễn Thị Ánh Viên, dù vẫn là VĐV có huy chương nhiều nhất đại hội, đóng góp đến 60% HCV của môn bơi nhưng thành tích thi đấu thì sa sút. Đã qua tuổi đỉnh cao của một kình ngư, nên bên cạnh việc tiếp tục đầu tư cho Ánh Viên thì vẫn phải có ngân sách khác dành cho công tác phát hiện và đào tạo nhân tố mới. Ở khía cạnh khác, một suất đầu tư cho Ánh Viên để vượt trội tại Đông Nam Á hiện nay đã rất lớn, như vậy nếu muốn có VĐV tầm châu Á, Olympic hay kể cả việc tiếp nối thành công của Ánh Viên tại SEA Games thì chi phí bỏ ra phải gấp nhiều lần.
Thành công của SEA Games 30 là một sự khẳng định về nội lực, là kết quả của các chính sách đầu tư của Nhà nước dành cho thể thao Việt Nam, vốn vẫn còn phải dựa rất nhiều vào ngân sách. Nhưng bản thân thành công đó cũng là thách thức vô cùng lớn đối với những ngành thể thao. Vị trí của chúng ta hiện nay là số 1 Đông Nam Á, tại kỳ SEA Games 31 mà chúng ta đăng cai thì khả năng duy trì ngôi số 1 ấy không có gì phải bàn cãi. Nhưng một khi đã phát triển đến tầm vóc ấy, thì nếu thể thao Việt Nam thất bại, hoặc thành tích không cải thiện ở các đấu trường châu lục và thế giới thì khó có thể chấp nhận.
Câu chuyện về sự trắng tay của môn bắn súng là bài học lớn. 3 năm trước, chúng ta có 1 HCV, 1 HCB tại Thế vận hội nhưng ở SEA Games 30 chỉ có 1 HCB, 1 HCĐ ở cùng nội dung và cùng VĐV. Tại sao môn thế mạnh ấy sa sút, tại sao Hoàng Xuân Vinh không có người tiếp nối? Về cơ bản vẫn là nguyên nhân đến từ cách thức và chiến lược đầu tư cho thể thao đỉnh cao, trong đó không thể không nói đến yếu tố tài chính, khả năng vận động nguồn lực ngoài xã hội của ngành thể thao hiện còn yếu và chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Lấy bóng đá làm ví dụ. Thành tích tốt thì tài chính tăng lên, đặc biệt có những nguồn đầu tư rất lớn và dài hạn. Các đội tuyển được hưởng những điều kiện tốt nhất, được đi tập huấn liên tục và rõ ràng, trình độ chơi bóng cũng như đẳng cấp đã phát triển rất nhanh trong một thời gian ngắn dù các cầu thủ cũng chỉ là những người đang thi đấu tại V-League.
Trong buổi gặp mặt 2 đội tuyển bóng đá thành công ở SEA Games, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra yêu cầu rất rõ với ngành thể thao, đó là không chỉ đánh giá đúng, đủ sự đóng góp của các VĐV đã mang thành tích về cho đất nước để tặng thưởng, bồi dưỡng cho xứng đáng, mà quan trọng hơn, Bộ VH-TT-DL phải có chính sách tốt cho HLV, VĐV để qua đó có thêm tài năng và có cả những nguồn lực tham gia vào quá trình phát triển thể thao đỉnh cao.