Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, vào năm 2018, giá trị xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam và Liên bang Nga lên tới 1,35 tỷ USD nhưng năm 2019 đã giảm xuống còn 900 triệu USD và năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước giảm chỉ còn 880 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nga là 432 triệu USD...
Tính đến tháng 12-2020, đầu tư trong nông nghiệp của Liên bang Nga vào Việt Nam đứng thứ 25 trong số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Tổng cộng Nga có 139 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 944 triệu USD tại Việt Nam.
Ngược lại, Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư sang Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn gần 3 tỷ USD.
Tại cuộc họp giữa hai bên vào chiều 22-4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam, ông Phùng Đức Tiến cho rằng, quan hệ thương mại nông nghiệp giữa hai nước có tiến triển tốt, nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng của quy mô kinh tế và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Vì vậy, hai bên cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa để biến “thách thức thành cơ hội” trong bối cảnh dịch Covid-19, tạo điều kiện thương mại cho các sản phẩm có lợi thế về xuất khẩu. Cụ thể, lợi thế của Liên bang Nga là thịt, lúa mì, phân bón, sữa… còn lợi thế của Việt Nam là thủy sản, cà phê, chè, tiêu, trái cây, cao su…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam cũng đề nghị tăng cường tổ chức các diễn đàn hợp tác xúc tiến thương mại trực tuyến và trực tiếp nhằm thúc đẩy thương mại và xử lý các vướng mắc kỹ thuật, đảm bảo hướng tới mục tiêu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung đạt 10 tỷ USD như lãnh đạo 2 nước đã đề ra.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị hai bên tập trung chỉ đạo tạo điều kiện mở cửa hơn nữa cho nông sản 2 nước xuất khẩu vào nhau, tiến tới công nhận lẫn nhau để giảm các rào cản về kỹ thuật và giảm thời gian xét duyệt với từng doanh nghiệp trong cả lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi.
“Đây là cơ sở để doanh nghiệp hai nước tiếp tục thúc đẩy thương mại, tận dụng tốt nhất ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết.
Ông Phùng Đức Tiến cũng đề nghị, hai bên cần chỉ định hoặc giới thiệu các doanh nghiệp đầu mối có đủ khả năng để gom hàng nông sản của mỗi bên, tạo lợi thế về quy mô và giảm chi phí logistics khi xuất nhập khẩu, kết nối các hệ thống siêu thị, phân phối. Tăng cường hợp tác khoa học công nghệ, liên doanh liên kết, nhất là công nghệ mới, công nghệ cao trong chế biến nông thủy sản...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga, ông Sergey Levin cho rằng, diễn đàn doanh nghiệp thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam – Liên bang Nga diễn ra trong khuôn khổ cuộc họp nhóm công tác nông nghiệp Việt Nam – Liên bang Nga lần thứ 2 này có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa hai bên để tiếp tục phát triển trên cả phương diện đối ngoại trong thời gian tới.
Ông Sergey Levin khẳng định, phía Nga mong muốn phát triển và mở rộng hợp tác giữa hai bên. Để củng cố quan hệ thương mại phát triển, Nga sẽ cử đại diện sang Việt Nam hoạt động tại Đại sứ quán Nga tại Hà Nội để tham gia các hoạt động này trong thời gian tới.