Cụ thể, chương trình định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 phấn đấu đóng góp 7% GDP và 8% GDP vào năm 2035. Đặc biệt, những đóng góp vào hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, hỗ trợ sáng tác, công bố phổ biến các tác phẩm... là rất lớn, khó đong đếm và đo lường được bằng tiền.
Đó là lý do các đại biểu Quốc hội ủng hộ việc có đủ ngân sách từ các nguồn để đảm bảo thực hiện thành công chương trình văn hóa rất ý nghĩa này: phát triển văn hóa thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế, sức mạnh nội sinh của con người và xã hội Việt Nam.
Nhưng cũng chính vì nguồn lực đầu tư lớn và kỳ vọng cũng lớn, nên các đại biểu đều mong Chính phủ đánh giá thật kỹ lưỡng về nội dung, phạm vi quy mô cũng như cân đối nguồn lực để xác định danh mục và lộ trình triển khai thực hiện nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với nguồn lực hiện có.
Thật dễ hiểu khi còn nhiều đại biểu băn khoăn về chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.
Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch xây dựng 80 trung tâm văn hóa ở 80 quốc gia. Chúng ta mới chỉ dự kiến trước hết ưu tiên 3-5 trung tâm. Dĩ nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, bởi nguồn lực của mỗi quốc gia là khác nhau. Nhưng những băn khoăn của đại biểu càng cho thấy vì nguồn lực của chúng ta còn khiêm tốn nên phải trân trọng từng đồng tiền sẽ bỏ ra để đầu tư.
Chính phủ cũng cần có kế hoạch cụ thể nhằm phát huy tối đa việc bảo tồn, phát huy, truyền bá các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, quảng bá du lịch Việt Nam. Làm tốt tất cả những điều đó, văn hóa sẽ đi vào cuộc sống, vào từng gia đình, trở thành nền tảng tinh thần, thực sự biến thành sức mạnh nội sinh to lớn.