Để trường nghề bứt phá: Nâng chất đáp ứng yêu cầu hội nhập

Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở nước ta đang từng bước đổi mới, đạt được những kết quả khả quan; nhận thức của xã hội, người dân, doanh nghiệp về GDNN có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, xu thế hội nhập với nhiều cơ hội xen lẫn thách thức, đòi hỏi GDNN tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, để không chỉ đảm đương trách nhiệm đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh toàn cầu.

* Ông NGUYỄN VĂN LÂM, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM:

Phấn đấu trở thành địa phương phát triển hàng đầu về GDNN

TPHCM phấn đấu đến năm 2030 đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề quốc gia; thu hút 45%-50% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 35% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới; có khoảng 60% lực lượng lao động được đào tạo lại, đào tạo thường xuyên; khoảng 70% các cơ sở GDNN và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; 100% cán bộ quản lý, nhà giáo đạt chuẩn; 100% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia; có khoảng 10 trường chất lượng cao.

Đến năm 2045, GDNN thành phố đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, trở thành địa phương phát triển hàng đầu về GDNN trong nước, trong khu vực ASEAN và bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới...

Để đạt những mục tiêu trên, thành phố đã thực hiện đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Cụ thể, TPHCM xây dựng chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN; gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động; nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo…

* Ông VƯƠNG QUỐC TUẤN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh:

Đào tạo nhân lực cạnh tranh trong thời kỳ 4.0

Nhằm phát triển GDNN Bắc Ninh đến năm 2030 hướng tới xây dựng nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và có cơ cấu hợp lý, cơ cấu ngành nghề phù hợp…, đưa nhân lực trở thành lợi thế quan trọng nhất trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thì cơ sở GDNN trên địa bàn phải có quy mô tuyển sinh, đào tạo đạt 50.000 người/năm; trên 85% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; phấn đấu 2-3 trường được kiểm định, đánh giá công nhận đạt tiêu chí trường chất lượng cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90% trở lên (hiện gần 80%).

Tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo cấp độ quốc gia, quốc tế. Trong đó, Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh được đầu tư phát triển trở thành trường chất lượng cao vào năm 2025; 7 trường cao đẳng thuộc bộ ngành được phê duyệt lựa chọn đầu tư xây dựng trường trọng điểm với 26 nghề (7 nghề cấp quốc tế, 4 nghề cấp khu vực ASEAN và 15 ngành, nghề cấp quốc gia); duy trì nâng cao chất lượng một số cơ sở GDNN đặc thù đào tạo cho người khuyết tật, người mù và đào tạo các ngành nghề năng khiếu. Khuyến khích thành lập mới cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN của doanh nghiệp như mô hình Trung tâm Đào tạo công nghệ kỹ thuật của Công ty TNHH KHKT Goertek Vina Việt Nam.

* Bà NGÔ THỊ KIM YẾN, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng:

Đầu tư trường nghề ở khu vực vùng ven, ngoại thành

Thời gian qua, TP Đà Nẵng đã thực hiện rà soát, sáp nhập các ngành nghề đào tạo trùng nhau ở trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng công lập; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả.

Qua các đề án đã được UBND TP Đà Nẵng thông qua, đến năm 2030, thành phố sẽ có 4 cơ sở GDNN đạt trình độ khu vực và quốc tế. Ưu tiên đầu tư các cơ sở GDNN mới ở ngoài trung tâm thành phố như quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang.

Lý do để Đà Nẵng quy hoạch, phát triển cơ sở GDNN ra các quận, huyện này là nhằm kêu gọi, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, quy hoạch đất đai, thời gian… để doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các trường nghề chất lượng cao.

Điểm thuận lợi để Đà Nẵng tin tưởng thực hiện thành công những công việc trên là mới đây, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21 CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng cơ sở GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và trước đó là Quyết định số 73/QĐ-TTg về rà soát, sắp xếp lại cơ sở GDNN. Hiện UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở LĐTB-XH Đà Nẵng dự thảo kế hoạch của Thành ủy nhằm triển khai Chỉ thị 21 và sẽ lấy ý kiến các sở ngành, quận huyện báo cáo UBND TP Đà Nẵng trình Thành ủy.

* TS PHẠM VŨ QUỐC BÌNH, Phó Tổng cục trưởng GDNN:

Tập trung đầu tư trường nghề chất lượng cao

Tổng cục GDNN đang tiếp tục phối hợp bộ ngành, địa phương để rà soát, sắp xếp lại cơ sở GDNN công lập theo hướng giảm cơ sở GDNN công lập; đẩy mạnh, khuyến khích phát triển cơ sở GDNN ngoài công lập.

Phấn đấu đến năm 2030 giảm ít nhất 30% cơ sở GDNN công lập so với năm 2020 và tỷ lệ cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài nâng lên khoảng 50%. Ưu tiên, tập trung đầu tư phát triển các trường nghề chất lượng cao, trong đó có các trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN và trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20.

Hình thành các trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao và trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển cơ sở GDNN ở vùng khó khăn, đào tạo các nhóm ngành nghề và đối tượng đặc thù.

Cùng với đó, lưu ý các cơ quan chủ quản lập đề án tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Điều 16, Nghị định 120/2020/NĐ-CP. Một trong các nội dung của đề án theo quy định phải có nội dung: “Phương án xử lý về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên quan” (điểm c khoản 1 Điều 16).

Theo đó, các nhân sự đang làm việc tại các trường sẽ thực hiện theo phương án xử lý về nhân sự tại đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý có số lượng, cơ cấu phù hợp với mạng lưới trong từng thời kỳ.

Ngoài ra, việc bố trí đất để xây dựng, phát triển cơ sở GDNN cũng như thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa được đặt ra trong quy hoạch và bảo đảm phải phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025. Đồng thời, việc đầu tư theo danh mục các dự án ưu tiên cần được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

* Ông LÊ DUY THÀNH, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc:

Thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp

Trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, nhất là học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục rà soát, quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở GDNN phục vụ việc giảng dạy các nghề trọng điểm, ngành nghề chất lượng cao.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, khuyến khích cơ sở GDNN liên kết đào tạo theo địa chỉ, theo chương trình chuẩn quốc gia, quốc tế; thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp. Cạnh đó là đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh nhằm đạt 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT theo học các trường nghề. Giao Sở LĐTB-XH sớm hoàn thành đề án hỗ trợ cơ sở GDNN trong việc tiếp cận doanh nghiệp; đổi mới phương pháp đào tạo nghề, tuyển sinh, quản lý tài chính, hoạt động, quản trị nhà trường.

Sở Tài chính tham mưu, đề xuất phương án hỗ trợ kinh phí đào tạo, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để cơ sở GDNN trên địa bàn, nhất là Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc hoàn thành mục tiêu trở thành trường nghề chất lượng cao theo lộ trình đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục