Sáng 26-12, hơn 120 cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu, giáo viên đến từ 34 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tham gia Hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh phổ thông trong bối cảnh hiện nay” do Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM phối hợp với Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Vũ Đình Bảy, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM cho biết, giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm hướng đến mục tiêu giáo dục và phát triển toàn diện cho học sinh. Khi xã hội càng phát triển, sự phân hóa nghề nghiệp càng cao thì công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông càng quan trọng.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Tuy nhiên, thực tế công tác giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nói chung và trong các trường phổ thông nói riêng vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Tỷ lệ học sinh chọn ngành, chọn nghề chưa đúng sở trường, năng lực của bản thân, chưa phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển nghề nghiệp của xã hội hiện nay còn rất cao, sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm còn nhiều, tình trạng thừa thầy thiếu thợ trong xã hội vẫn phổ biến.
TS. Nguyễn Đặng An Long, Chánh văn phòng Đảng ủy Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, công tác hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS của TPHCM trong những năm gần đây có tín hiệu tích cực cùng với sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, ngành giáo dục và đào tạo các quận, huyện.
Năm học 2014 - 2015, toàn TPHCM có số học sinh vào học lớp 10 đạt tỷ lệ 86,03%. Năm học 2015 - 2016, tỷ lệ học sinh vào lớp 10 đạt 81,09%. Đến năm học 2019 - 2020, tỷ lệ này giảm xuống còn 76,85%. Thống kê trong năm học 2019-2020, TPHCM có khoảng 10.000 học sinh tốt nghiệp THCS không nộp đơn thi tuyển vào lớp 10 công lập mà lựa chọn theo học nghề, trung cấp. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của giáo dục nghề nghiệp đã từng bước được nâng lên.
Đánh giá về công tác tổ chức, TS. Nguyễn Đặng An Long cho rằng, một số hoạt động hướng nghiệp cho học sinh còn mang tính hình thức. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo chồng chéo, sức hấp dẫn của các chương trình đào tạo nghề còn yếu, chưa gắn với năng lực hành nghề.
Đáng chú ý, sự gắn kết của các trường phổ thông, trường nghề với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, đội ngũ giáo viên đào tạo nghề thiếu kinh nghiệm thực tế, tâm lý chạy theo bằng cấp còn nặng nề.
Mặt khác, do nhận thức hạn chế của người dân và xã hội nói chung đối với giáo dục nghề nghiệp, phần lớn cha mẹ học sinh đều mong muốn, định hướng con em mình vào học đại học. Hệ thống thông tin về thị trường lao động chưa đáp ứng yêu cầu, thị trường lao động và điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn…
Hiện nay, công tác hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn TPHCM được định hướng vào 4 con đường chính là: học tiếp lên THPT công lập hoặc ngoài công lập; học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên, trực tiếp tham gia lao động sản xuất và du học.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, lộ trình từ nay đến năm 2020, tỷ lệ học sinh vào lớp 10 công lập mỗi năm sẽ giảm 3%, đến năm 2020 có 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập.
Giáo viên Hàng Quốc Tuấn, Trường THPT Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh phân tích, phân luồng học sinh hiện nay không chỉ là vấn đề của riêng ngành giáo dục và đào tạo mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị từ cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các bộ, ngành, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng nhân lực và của cả học sinh, cha mẹ học sinh.
Để nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, khởi nghiệp trong trường phổ thông, các nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều giải pháp như phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông trong việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội, cha mẹ học sinh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp; xây dựng các quy định cụ thể hóa công tác phân luồng và liên thông trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, kết nối giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; tổ chức triển khai đại trà mô hình trường “Trung học nghề” và trường “Trung học phổ thông kỹ thuật” để thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào học...