Những nơi tuổi teen thường ghé tới rất đa dạng, có nơi giá cao chót vót, có nơi ở mức trung bình, còn những điểm làng nhàng chưa hẳn đã thu hút được giới trẻ. Nhiều người băn khoăn, không biết tụi trẻ lấy đâu ra tiền mà tiêu xài khá thoải mái.
Cũng có nhiều bạn tự kiếm tiền tiêu vặt bằng những việc làm thêm như phục vụ bàn, gia sư, bán hàng trên mạng, giao hàng…, nhưng số đông được cha mẹ chu cấp.
Bước vào cấp 1, nhiều học sinh đã được cha mẹ cho tiền tiêu vặt, tất nhiên là tùy từng độ tuổi mà số tiền được cho nhiều, ít khác nhau. Tiền tiêu vặt dùng chi xài những khoản nhỏ cho bản thân và tụ tập cùng bạn bè. Thế nhưng, số tiền này cũng không hẳn đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu vặt của một bộ phận giới trẻ.
N.T.N. (học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TPHCM ) cho biết, mỗi tuần em được mẹ cho 300.000 đồng nhưng thường xuyên phải xin thêm ba. N. kể: “Mẹ em cứ nghĩ 300.000đồng/giờ là lớn lắm, nhưng thực ra có mua được gì đâu, xài 2-3 ngày đã hết. Lâu lâu em lại giả bộ để quên ví trên mặt bàn, ba xem ví thấy hết tiền thì lại cho thêm”.
Khi được hỏi xài tiền vào những việc gì, N. cho rằng mình đã lớn, có đủ thứ phải chi như mua quà sinh nhật, tụ tập ăn uống với bạn bè, đi xem phim, mua thẻ game…
Tương tự, Phan Kim Hoàng (17 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) luôn rủng rỉnh tiền bao bạn bè ăn vặt, hoặc chi mạnh tay cho những sở thích sưu tầm bông tai, giày. Hoàng cho biết, ngoài nguồn “lương” hàng tuần của mẹ là 200.000 đồng thì cô bạn còn có thêm 500.000 đồng/tháng từ nguồn “viện trợ” của bà ngoại và dì.
Hoàng bảo: “Tính ra 17 tuổi mà mỗi tháng cũng chỉ có 1,3 triệu đồng tiêu vặt thì đâu đã nhiều. Bạn em có đứa còn được cho hẳn 3 triệu đồng mỗi tháng, lãnh tiền cục như vậy xài mới đã”.
Về phía các phụ huynh, nhiều người mang tâm lý sợ con thiếu thốn sẽ sinh tật xấu như nói dối, ém tiền học thêm, ăn cắp vặt… nên ngoài những khoản tiền “cứng” cho hàng tuần, không ít phụ huynh vẫn bù thêm những khoản tiền “mềm”. Đương nhiên, khi trẻ rủng rỉnh tiền thì việc ăn hàng, tụ tập quán xá là điều khó tránh khỏi, rồi từ đó cũng tạo tâm lý so bì với bạn bè và đòi hỏi nhiều hơn.
Tùy từng độ tuổi của trẻ mà phụ huynh cân nhắc cho mức tiền phù hợp và thống nhất khoản tiền tiêu vặt cố định trong tháng, đừng để trẻ mặc định trong đầu rằng cứ xài hết lại có. Đến độ tuổi phù hợp, cha mẹ nên khuyến khích con làm thêm vào dịp hè để trải nghiệm và hiểu được việc kiếm tiền không đơn giản. Khi thấm thía đồng tiền kiếm được từ sức lao động thì dù là tiền được cho, chắc chắn trẻ vẫn sẽ có kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn.