Tại hai đoạn đê này, nhựa trên mặt đê có chỗ bị xới lên, có chỗ sụt lún, biến dạng tạo thành những “ổ voi”, “luống cày”. Nhiều đoạn nhựa dồn ứ lên hai bên tạo thành từng đống và thành những “con lươn” khổng lồ chạy dài, gây nguy hiểm cho người qua lại.
Ông Lê Khắc Thanh (62 tuổi, trú thôn Liên Phô, xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân) cho biết: “Con đường đê này vừa làm xong vào cuối tháng 4 vừa qua, nhưng các chú thấy đấy, mới qua tầm 2 tháng đã hư hỏng nặng đến như vậy. Ở đây, xe tải trọng lớn chở cát chạy suốt ngày đêm, chủ yếu là chạy đêm. Có lẽ vì thế mà đường đê xuống cấp thì phải”.
Theo Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Thanh Hóa, các công trình đê tả, hữu sông Chu qua địa bàn huyện Thọ Xuân và Thiệu Hóa được thiết kế mặt đê láng nhựa, chỉ cho phép xe có tải trọng không quá 12 tấn được chạy trên đê.
Tuy nhiên hiện nay, tại 6 công trình đê tả, hữu sông Chu này xảy ra tình trạng xe quá tải trọng từ 20 - 30 tấn thường xuyên lưu thông trên mặt đê. Việc này đã làm nhiều đoạn mặt đê láng nhựa bị hư hỏng nghiêm trọng. Ban này đã nhiều lần có văn bản gửi UBND huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa và các cơ quan chức năng liên quan có biện pháp ngăn ngừa và xử lý các xe quá tải trọng đi trên đê.
Trước tình hình đê tả, hữu sông Chu qua địa bàn huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Công an tỉnh, Sở GTVT, Sở TN&MT, UBND các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa theo chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng các phương tiện quá tải trọng hoạt động trên các tuyến đê thuộc địa phận hai huyện trên và các tuyến đường giao thông, bảo đảm kết cấu hạ tầng đê điều, các tuyến giao thông trên khu vực.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa và các đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện cam kết không vận chuyển quá tải của doanh nghiệp khai thác cát dọc sông Chu trên địa bàn hai huyện này.