Nhiều bất lợi
Theo ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT), tôm Việt Nam xuất khẩu đứng thứ nhì thế giới, giá trị xuất khẩu chiếm 13%-14% tổng ngành tôm của toàn cầu. Trung bình mỗi năm, tôm đóng góp khoảng 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5-4 tỷ USD. Mặc dù trong 6 tháng đầu năm, ngành tôm tăng diện tích nuôi thả (hơn 650.000ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ), được mùa (467.000 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ), nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm sụt giảm do chi phí đầu vào và giá thành sản xuất cao, trong khi giá bán lại thấp. Do vậy, xuất khẩu tôm giảm tới gần 32% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giảm mạnh nhất là các thị trường châu Âu (EU) với 48%, Hoa Kỳ 38%, Hàn Quốc 28%, Nhật Bản 29% và Trung Quốc 15%.
Cùng với xuất khẩu sụt giảm, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết ngành tôm hiện cũng gặp không ít bất lợi, nhất là việc đáp ứng hàng rào kỹ thuật. Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Cà Mau), chia sẻ, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng cho từng thị trường như Hoa Kỳ và EU nhưng diện tích đạt được chứng nhận còn rất ít. Việt Nam hiện đang áp dụng nhiều chứng nhận GlobalGAP nhưng thị trường lớn lại không yêu cầu chứng nhận này. Trong khi đó, các doanh nghiệp của nước Ecuador đã được chính quyền nước này hỗ trợ chứng nhận diện tích nuôi rất nhiều.
“Các địa phương, bộ, ngành cần phải phối hợp với tổ chức, doanh nghiệp để xác nhận, chứng nhận vùng nguyên liệu đạt theo yêu cầu thị trường. Tức là thị trường cần tiêu chuẩn gì thì mình làm theo, chứ đừng làm thứ họ không cần”, ông Lê Văn Quang kiến nghị.
Mặt khác, một số thị trường chưa tin tưởng hoàn toàn nên vẫn kiểm tra dư lượng kháng sinh 100% lô hàng tôm nhập khẩu, cụ thể là thị trường Nhật Bản. Điều này dẫn tới tôm Việt Nam tốn thêm chi phí tại cảng, tốn thời gian, làm giảm năng lực cạnh tranh. Trong khi tôm của Thái Lan, Ấn Độ nhập khẩu vào Nhật Bản chỉ kiểm tra 20%-30% lô hàng. Chưa hết, tại thị trường Hoa Kỳ, từ năm 2004 đến nay, tôm Việt Nam còn gặp bất lợi từ phòng vệ thương mại về điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá.
Thích ứng phù hợp
Đánh giá về xuất khẩu thủy sản nói chung và tôm nói riêng, bà Nguyễn Hoàng Thúy, Thương vụ Việt Nam tại khối Bắc Âu nhận định, EU sẽ sử dụng thủy hải sản nhiều hơn, giảm dần tiêu thụ thịt đỏ nhằm giảm lượng khí thải carbon từ chăn nuôi. Cùng với bảo vệ môi trường, người dân EU sẽ sử dụng nhiều hơn tôm sinh thái, tôm hữu cơ; đồ ăn đóng hộp... Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu liên kết cung cấp tôm nguyên liệu và trở thành chuỗi giá trị hàng hóa cho các nhà chế biến.
Các doanh nghiệp nước ngoài tham quan gian hàng tôm tại Hội Chợ Thủy sản tổ chức tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn SECC (quận 7, TPHCM) |
Còn Tham tán nông nghiệp Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ dự báo, đến cuối năm nay, sản phẩm tôm tồn kho của Hoa Kỳ giảm, các doanh nghiệp nhập khẩu tăng sức mua trở lại. Thậm chí, nước này không tăng lãi suất để các doanh nghiệp thu mua với kỳ vọng lạm phát dần được kiểm soát. “Hoa Kỳ rất chú trọng đến tôm chế biến vì tiện lợi, có thể bảo quản lâu. Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết với các đối tác quốc tế nâng cao chất lượng tôm giống. Đặc biệt, cần phải lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ”, Tham tán nông nghiệp Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ lưu ý. Đối với thị trường Trung Quốc, các chuyên gia cho biết, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới xuất khẩu vào thị trường lân cận biên giới, còn khu vực miền Bắc, miền Trung của Trung Quốc có dư địa rất lớn nhưng vẫn chưa tiếp cận được.
“Trung Quốc đang giảm nuôi tôm do chi phí đầu vào cao, tăng nhập khẩu tôm từ các nước có giá thành thấp hơn để chế biến tái xuất khẩu. Đây là cơ hội rất lớn để ngành tôm Việt Nam phát triển mạnh”, đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc nhận xét.
Để ngành tôm xuất khẩu đạt hơn 4,3 tỷ USD trong năm 2023, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nguồn tôm trong kho dự trữ của các nước đang giảm, các nước có ngành tôm cạnh tranh với Việt Nam cũng đang giảm sản lượng. Tận dụng thời cơ này, doanh nghiệp Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, thương vụ Việt Nam tại các nước cần xác định lại là giá chi phí logistics cao hay giá nguyên liệu cao để Bộ NN-PTNT làm việc với các đơn vị liên quan.
“Quan điểm của bộ là không mua nguyên liệu rẻ để hạ chất lượng con tôm. Về giải pháp phát triển ổn định lâu dài, các thương vụ Việt Nam cần tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh con tôm Việt Nam, có thông tin biến động của thị trường kịp thời cho Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương để định hướng vùng nuôi, cũng như hoạt động chế biến, xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ Công thương cần đẩy mạnh ký kết thêm các hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác các tiềm năng từ hiệp định, cũng như có giải pháp thích nghi với các hàng rào kỹ thuật”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Năm 2022, tôm xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD. Ba địa phương đứng hàng đầu cả nước về xuất khẩu tôm, gồm: Cà Mau thu hơn 1 tỷ USD; Sóc Trăng gần 1 tỷ USD; Bạc Liêu thu hơn 850 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Cà Mau xuất khẩu hơn 497 triệu USD; Sóc Trăng ước đạt 420 triệu USD; Bạc Liêu 413 triệu USD. Về thị trường xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2023: EU đạt 192 triệu USD; Hoa Kỳ 298 triệu USD; Hàn Quốc 166 triệu USD; Nhật Bản 236 triệu USD; Trung Quốc 280 triệu USD.