1.Những ngày TPHCM hoang mang vì dịch bệnh, mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin bất lợi cho chính quyền TPHCM. Để hạn chế tin giả, các cơ quan, tổ chức cũng nhanh chóng lập Fanpage trên mạng xã hội để chia sẻ thông tin chính thống nhanh hơn và người dùng mạng xã hội dễ dàng tiếp cận, liên lạc hơn.
Mở đầu là Fanpage “Trung tâm Báo chí TPHCM”. Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Fanpage này đã liên tục cập nhật đường link thông tin từ những nguồn chính thống về dịch bệnh, ca nhiễm. Cuối mỗi ngày, trung tâm tổng hợp thông tin về dịch bệnh trên địa bàn TP và cả nước một cách cụ thể trên Fanpage. Đây là cách làm hiệu quả, vừa tạo điều kiện để báo chí tác nghiệp nhanh, chính xác, mặt khác còn giúp người dân có thêm kênh cập nhật diễn biến của dịch Covid-19, từ đó có cách phòng ngừa hiệu quả.
“Lúc đó, dịch bệnh bùng phát, mạnh ai nấy đồn đoán, rồi đăng tin không đúng, có người bị phạt. Nhà tôi ít đọc báo giấy, mỗi người ôm cái điện thoại vô ngay trang của Trung tâm Báo chí TPHCM để xem. Họ cập nhật nhanh lắm, có thông tin là mình theo dõi được liền”, chị Phan Thị Tâm (43 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) kể.
Ở thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, Sở Y tế TPHCM và UBND TP đã gửi tin nhắn đến từng số điện thoại và qua mạng xã hội Zalo để thông tin về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch an toàn, an sinh xã hội để người dân an tâm. Nắm thông tin qua tin nhắn mỗi ngày trên Zalo, anh Hoàng Phương (37 tuổi, ngụ quận 8) cho biết: “Tôi mở điện thoại lên, theo dõi tin tức qua tin nhắn từ Sở Y tế TP là nắm được tình hình, yên tâm thực hiện theo các hướng dẫn”.
Tháng 5-2020, Fanpage Đoàn Thanh niên xã Qui Đức, huyện Bình Chánh liên tục cập nhật tin tức, đoàn viên thanh niên ra quân phát 4.000 tờ bướm đến các hộ dân và tự động trang trí xe máy cá nhân thành các xe loa để đi vào từng xóm, từng ấp tuyên truyền kiến thức phòng chống dịch.
“Thông tin trên Fanpage cập nhật liên tục là để các bạn trẻ tiếp cận thông tin chính thống, không bị tin giả trên mạng xã hội dẫn dắt. Cô bác lớn tuổi cũng rất vui và thích thú khi được các bạn đoàn viên tuyên truyền, vì thắc mắc nào cũng được các bạn giải đáp rõ, cụ thể”, anh Nguyễn Quốc Dũng (Bí thư Đoàn Thanh niên xã Qui Đức, huyện Bình Chánh) kể lại.
2.Những nhận định tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” tổ chức tại TPHCM cho rằng, việc tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội tại TP góp phần nâng cao nhận thức của người dân.
Bên cạnh đó, thực hiện cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” do Trung ương Đoàn triển khai thời gian dài vừa qua, Thành đoàn TPHCM đã tập trung việc lan tỏa trên mạng xã hội thông tin về những câu chuyện, hành động đẹp... Hiện có rất nhiều trang mạng xã hội thực hiện tốt, từ trang Thành đoàn TPHCM, Sinh viên TPHCM - Những câu chuyện đẹp, Tuổi trẻ TPHCM học tập và làm theo lời Bác đến các Fanpage cơ sở Đoàn thường chuyển tải nhiều câu chuyện đẹp, như: chuyện không tham của rơi, gương người trẻ hết mình vì trẻ em nghèo, những tấm gương sáng ở các lĩnh vực, chuyện khởi nghiệp...
Tháng 11-2020, trang Fanpage Huyện đoàn Hóc Môn được khá nhiều bạn trẻ, người dân quan tâm. Không chỉ là nơi chia sẻ các hoạt động đoàn, Fanpage còn trở thành một địa chỉ thú vị, đặc biệt, góp phần xây dựng hình ảnh thế hệ trẻ biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thông qua Fanpage, các bạn trẻ của Huyện đoàn, Hội LHTN huyện Hóc Môn cùng thực hiện nhiều video clip giới thiệu các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa đặc trưng trên địa bàn huyện đến người dân, du khách khắp nơi.
"Cần thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về tác hại, hậu quả trước mắt và lâu dài của các sản phẩm văn hóa độc hại; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; đấu tranh, ngăn chặn, bài trừ sản phẩm văn hóa độc hại... xây dựng con người TP phát triển toàn diện với những giá trị văn hóa, tiến bộ của dân tộc, tạo sức đề kháng để chống sự xâm nhập của sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội… Các ngành cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, đặc biệt trên internet, mạng xã hội; công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành để ngăn chặn các sản phẩm độc hại xâm nhập phải đồng bộ" Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM NGUYỄN THỊ LỆ |
“Những người thực hiện các clip đều là con em của quê hương Hóc Môn, hiểu rõ vùng đất của mình, từ lịch sử, văn hóa đến kinh tế... Việc tuyên truyền, quảng bá thông qua clip và đăng tải trên Fanpage, YouTube là một phương thức mang lại hiệu quả cao trong việc tiếp cập thông tin đến người dân, các bạn trẻ có xu hướng sử dụng mạng xã hội cao”, chị Lê Thị Mỹ Lập, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện đoàn Hóc Môn, chia sẻ.
Rõ ràng, không gian mạng xã hội đi giữa hai chiều tiện ích và độc hại. Và để chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội qua không gian mạng bằng cách lan tỏa tin tốt, là cách làm cần được nhân rộng.