Để tiệc cưới thật sự trang trọng, ấm cúng, tươi vui, tiết kiệm

Sau loạt bài về thực trạng đám cưới hiện nay, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi, đóng góp về những vấn đề trong việc tổ chức đám cưới. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến của những người trong cuộc là các đơn vị tổ chức, tư vấn đám cưới và quản lý văn hóa về việc tổ chức một đám cưới hiện đại, văn minh và tiết kiệm.

  • Anh Nguyễn Hồng Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng tổ chức lễ cưới thanh niên: Lấy đám cưới tập thể là hình mẫu hiện đại

Từ khi thành lập (năm 2000) đến nay, văn phòng đã tổ chức được 6 đám cưới tập thể và nhiều đám cưới đơn lẻ. Đám cưới tập thể đông nhất là 25 cặp cô dâu – chú rể, còn trung bình là gần 10 cặp/lần.

Lấy tôn chỉ từ Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị quy định về việc cưới hỏi, mục đích chính của văn phòng chúng tôi là tư vấn, định hướng cho các bạn trẻ tổ chức một đám cưới văn minh, lịch sự, tiết kiệm và vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc. Với những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, văn phòng đứng ra tổ chức đám cưới, hỗ trợ kinh phí cho các bạn. Chi phí tham gia một đám cưới tập thể của văn phòng là 6 triệu đồng, đám cưới đơn lẻ thấp nhất là 15 triệu đồng/10 bàn tiệc. Tất nhiên còn tùy thuộc vào lượng khách mời và địa điểm tổ chức.

Để làm được điều này, chúng tôi đã phải nhờ rất nhiều vào các nhà tài trợ như áo cưới Ánh Linh tặng trang phục cưới cô dâu, chú rể, trang điểm; Đầm Sen cho mượn mặt bằng… Chúng tôi luôn xác định mục đích chính của văn phòng là tư vấn cho các bạn trẻ cách làm sao để tổ chức đám cưới văn minh. Từ việc lên danh sách khách mời không xô bồ, cho đến cách tổ chức không rườm rà, lãng phí. Đám cưới phải phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể…

Đối với đám cưới truyền thống, lễ gia tiên là rất quan trọng, chúng tôi cũng chú trọng đến việc làm lễ gia tiên trong các đám cưới. Điều này thể hiện truyền thống, đạo đức hiếu lễ của người Việt Nam luôn tưởng nhớ đến công đức của tổ tiên, ông bà… Hiện nay, ngày càng có đông những bạn trẻ tìm đến chúng tôi để được hướng dẫn cách tổ chức lễ cưới tiết kiệm và hiện đại.

  • Trung tâm tổ chức sự kiện và tiệc cưới Vàng Son: Chuyên nghiệp để chống thương mại hóa đám cưới

Đội ngũ nhân viên tư vấn của chúng tôi được huấn luyện am hiểu về phong tục tập quán, các lễ nghi, nghi thức đón tiếp, giới thiệu, tiễn khách, chọn thực đơn, sắp xếp các vị trí chỗ ngồi... trong một tiệc cưới sao cho phù hợp, tránh “nhất bên trọng – nhất bên khinh” mà vẫn giữ được phần trọng thể.

Bên cạnh đó, nhân viên quản lý của Vàng Son cũng phải tinh tế trong việc nắm bắt các vấn đề phát sinh nhạy cảm, như việc khách hàng dự tiệc chỉ ăn được món chay, nhưng ngại không dám yêu cầu; hoặc nhóm khách dự tiệc có tôn giáo khác biệt cần ngồi riêng một bàn; khách vào quá trễ, ăn không đủ món; máy lạnh quá, âm thanh lớn, khách yêu cầu thực đơn uống khác với thực đơn của chủ tiệc… Tất cả Vàng Son phải làm việc với chủ tiệc và đại diện cho chủ tiệc để dàn xếp làm sao cho khách dự tiệc và chủ tiệc đều hài lòng.

Trong cuộc đời có những sai sót nếu xảy ra sẽ không bao giờ có cơ hội sửa chữa hay nói lời xin lỗi, nhất là trong ngày cưới trọng đại này. Nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của một nhà tổ chức chuyên nghiệp, Vàng Son đã ký hợp đồng chặt chẽ với đối tác cung cấp MC, ràng buộc khắt khe các yếu tố liên quan đến tư cách tác phong, giọng nói, trình độ văn hóa, chuyên môn, kinh nghiệm của MC. Đặc biệt, trước khi chính thức trở thành MC của Vàng Son, MC phải học hỏi về văn hóa, sản phẩm, đối tượng khách hàng và phong cách theo tiêu chuẩn của Vàng Son. Từng câu văn trong suốt nghi lễ và buổi tiệc mà MC nói, đều được ban quản lý Vàng Son chọn lọc, đồng ý và có sự cam kết của MC trước khi bước lên sân khấu.

Vàng Son rất mong các anh chị khi làm đám cưới, đừng thương mại hóa ngày trọng đại của mình. Hãy chọn một nhà tổ chức có phong cách hiện đại - trang trọng trong nghi lễ - biết kết hợp hài hòa giữa truyền thống và cách tân. Hãy yêu cầu khắt khe đối với nhà tổ chức khi đặt tiệc liên quan đến việc đón tiếp, phục vụ và tiễn khách.

  • Phó Trưởng phòng Văn hóa-Gia đình, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đặng Hồng Linh: Cần sự tự giác của hai gia đình

Thực tế, việc tổ chức đám cưới sao cho văn minh-hiện đại và đậm bản sắc dân tộc, tránh xa hoa lãng phí đã được nhà nước quan tâm rất nhiều. Từ tháng 11-1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 27 về văn minh trong việc tang gia, cưới hỏi. Thủ tướng cũng có Chỉ thị số 14, TPHCM đã ban hành Kế hoạch 1524 và Thành ủy TPHCM cũng có một chương trình chỉ đạo đảng viên thực hiện văn minh trong cưới, tang. Nhưng nhìn chung là chuyển động chưa nhiều.

Việc xây dựng chuẩn mực văn hóa trong việc cưới hỏi thì vai trò của ngành văn hóa không chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự giám sát của cộng đồng và sự điều chỉnh của các tổ chức chính trị xã hội, nhất là đối với các công chức, nhân viên trong các cơ quan nhà nước. Thực tế, việc chấp hành chưa nghiêm vì cho rằng việc cưới hỏi là việc riêng của mỗi gia đình. Thậm chí, chính việc tang, cưới của gia đình cán bộ công chức lại có phần linh đình hơn do mối quan hệ giao thiệp rộng rãi, bạn bè, khách khứa nhiều hơn.

Hiện nay, để giảm bớt những lệch lạc trong việc cưới hỏi, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã đề ra một số mô hình đám cưới từ việc khảo sát một số nơi chuyên tổ chức tiệc cưới. Tiêu chuẩn đầu tiên cho một đám cưới được xem là văn minh-lành mạnh-tiết kiệm là phải đúng giờ. Trên thiệp cưới ghi ra giờ đón khách, nhập tiệc để khách mời chủ động, rút ngắn thời gian chờ đợi. Chúng tôi đã mời chủ các nhà hàng tiệc cưới lớn về sở để phổ biến các tiêu chuẩn trên và đã tạo được sự đồng thuận vì việc rút gọn thời gian chờ đợi cũng đem lại nhiều lợi ích cho họ, do tiết kiệm thời gian cho nhà hàng, nhân viên phục vụ…

Sở đã mời các MC lên để dự một lớp tập huấn về hướng dẫn đám cưới văn minh, nhằm tránh tình trạng MC “trùm” hết đám cưới không còn chỗ cho ba mẹ cô dâu phát biểu, chưa kể nhiều MC còn có những phát ngôn chưa phù hợp; nghi thức tiêu chuẩn trong lễ cưới như tính trang trọng, dân tộc và nêu ra được công ơn dưỡng dục của cha mẹ, hạnh phúc lứa đôi và trách nhiệm của cô dâu chú rể sau hôn lễ. Quận 7 đã phát động mô hình 2 đúng 3 không: đúng pháp luật, đúng giờ - diễn ra không quá 2 giờ, cô dâu thay không quá 2 bộ đồ, thực khách uống không quá 2 chai.

Dù việc tổ chức đám cưới văn minh-lành mạnh-tiết kiệm đã có mô hình chuẩn, đã được triển khai đến hầu hết các quận huyện nhưng cũng phải nhìn nhận là việc thực hiện cho đến nay vẫn chủ yếu dựa vào tính tự giác của các gia đình. Chỉ có tự nhận thức được của cá nhân và tự giác của 2 gia đình trong việc đặt bàn, giờ giấc và tiết kiệm mới có thể tổ chức được những đám cưới thật sự văn minh-lành mạnh-tiết kiệm để đám cưới không phải một gánh nặng trong đời sống.

Nhóm PV VHVN


Bạn đọc vuong_liem@yahoo.com:
Tôi rất hoan nghênh diễn đàn SGGP online đã đưa ra vấn đề tổ chức tiệc cưới này, vì đây là chuyên bức xúc của mỗi người trong xã hội hiện nay.

Tiệc cưới mỗi ngày có không biết bao nhiêu mà kể, ở mọi nơi trong các nhà hàng lớn, nhỏ. Muốn tổ chức một đám cưới, tiệc cưới ở nhà hàng có tiếng phải đặt chỗ trước cả năm trời mới có chỗ tốt. Từ người tổ chức đến người được mời tới dự tiệc, tất cả đều mất nhiều thời gian, còn tiền bao thư không biết bao nhiêu.

Điều đầu tiên muốn nói ở đây là thời gian bị lãng phí: thiệp mời luôn ghi 5 giờ tiếp khách, 1 giờ nhập tiệc nhưng ít khi thực hiện đúng thời gian này. Tính ra mỗi người dự tiệc phải mất trên một giờ đồng hồ, nếu thống kê hàng chục nhà hàng, hàng trăm tiệc cưới và hàng triệu khách mời thì  "thời gian là tiền bạc" - cả thành phố lãng phí bao nhiêu tiền?

Văn hóa lễ cưới, tiệc cưới là điều cần nói hơn. Nhà hàng nào cũng tranh thủ tổ chức thật nhiều tình tiết cho nghi lễ này, sang trọng đến xa xỉ và xáo rỗng. Lời kể lể dài dòng với đầy rẫy những sáo ngữ và rập khuôn của MC. Rồi nào là lễ rước cô dâu chú rể, nào là lễ rước cha mẹ hai bên, nào ca múa nhạc rườm rà, nào lễ trình diễn... tất cả được nhà hàng tổ chức trình diễn quá ồn ào náo nhiệt nhưng coi lại thì văn hóa dân tộc rất ư là thiếu bản sắc, lai căng.

Muốn làm nở mặt khách hàng, nở mặt hai họ. Nhưng để làm gì chứ? Điều quan trọng ở tiệc cưới là đơn giản, tiết kiệm và có văn hóa dân tộc đúng mực. Cô dâu chú rể ít tốn kém về trình diễn, khách hàng ít tốn kém về lãng phí văn hóa, thời gian...

Năm thực hiện "nếp sống văn minh đô thị" mà để xảy ra những đám cưới như thế thì quả là "không chấp nhận được".

Phải chăng tới lúc chúng ta cần phải rút kinh nghiệm để tổ chức tiệc cưới có văn hóa, văn minh thực sự, trong đó quan trọng là phải thực hành tiết kiệm và văn hóa lễ hội, không nên biến tiệc cưới làm nơi trình diễn của mọi thứ.

Nên chăng có một cuộc vận động lớn cho mỗi gia đình, mỗi nhà hàng khi tổ chức lễ cưới tiệc cưới phải làm sạch thứ "văn hóa lãng phí" này.

Bạn đọc Trile_49@yahoo.com.vn:
Mùa cưới đến. Trong nhà lúc nào cũng dồn dập những cánh thiệp hồng như cánh én xuân vào những ngày năm hết Tết đến. Thế là, nhiều khi chúng tôi phải chia nhau, chồng đi đám này, vợ đi đám kia, lắm khi tranh thủ giữa tiệc đám này lại phải chạy sang đám khác trùng ngày giờ để đáp lại cái gọi là “sự hiện diện của quý vị là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi”.

Thiết nghĩ, được mời dự đám cưới trước hết là niềm vinh hạnh của cá nhân và gia đình người được mời. Nếu càng được mời nhiều là thể hiện mối quan hệ càng rôm rả. Và cũng nhân lễ tiệc cũng là cơ hội để gặp lại bạn bè, thân hữu để hỏi han nhau về gia đình, về công ăn việc làm…

Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, mỗi lần nhận thiệp cưới là vợ chồng tôi phải cân nhắc lại kế hoạch chi tiêu trong gia đình để chia xẻ niềm vui với thân bằng quyến thuộc.

Thậm chí mùa cưới càng rộ tự dưng nỗi lo càng lớn khi phải chắt mót để làm “phải quấy”, hoặc nói như bà xã tôi là “đi trả miệng cho ông”!? Lúc ấy “lòng trong như đã…mặt ngoài thì vui!”. Lúc còn đi làm thì khác. Còn bây giờ mọi sinh hoạt chăm bẳm vào lương hưu, vào ít ỏi đồng tiền tiết kiệm, lại mất sức lao động mà cứ “đi đám” miết nên nhiều khi con cái hạch sách: mới cho ba tiền bây giờ trong túi vắng hoe. Xài vừa thôi !...thật là phiền phức.

Con cái có gia đình riêng thì còn vợ, chồng con của nó phải lo toan đủ thứ:lớp nào tiền học phí cho con, tiền ăn uống trong buổi tiền cao gạo kém, tình hình tài chính của gia đình nó cũng khó khăn v.v…Thế nên, làm thân cha mẹ già, muốn cho con hạnh phúc thì cố gắng không để chúng phải lo nhiều cho mình.

Thiết nghĩ, việc ăn uống sinh hoạt trong gia đình còn có thể tiết kiệm được. Tuy nhiên, theo thời giá tiệc cưới ở nông thôn ít nhất là 100.000 đồng/thiệp, có thể tăng thêm tùy mối quan hệ. Nếu một bàn tiệc cưới 10 người dự, cơ sở lãnh nấu ăn 5 món bình dân nhất cũng mất từ 800.000 đồng đến trên cả triệu đồng/bàn, chưa tính tiền bia bọt, nước ngọt. Tính ra, sau tiệc cưới nếu không khéo tiết kiệm các dịch vụ khác thì gia chủ gồng mình trả nợ là cái chắc. Ngoài tiền bàn tiệc nhân lên, còn phải tính đến chi phí chụp hình, quay phim, trang điểm, mâm quả, xe cưới….

Tiệc cưới ở vùng ngoại thành là như thế. Còn nội thành, nhà hàng cưới càng trung tâm thì chi phí lại càng cao. Hầu hết các nhà hàng sang trọng quy chuẩn tối thiểu phải từ 20 bàn trở lên. Trong khi giá mỗi bàn tiệc rẻ lắm cũng từ triệu rưỡi một bàn 10 người, chưa tính bia bọt. Nếu một khách chia vui 200.000 đồng/bì thư thì xem như chú rể, cô dâu phải gồng trả các dịch vụ trước và sau tiệc cưới.

Vì vậy, sau khi tính toán, nhiều cặp uyên ương phải cam chịu “chờ nhau…. cho đến đủ tiền” mới tổ chức đám cưới. Dẫn đến không ít đôi uyên ương phải rã đám. Hoặc nếu có cha mẹ đỡ đầu thì về ăn ở với nhau, sau giây phút, ngày tháng nồng nàn thì cái chuyện tiền nong nợ nần là đề tài tệ hại dễ sinh ra mâu thuẫn. Có khi mâu thuẫn ấy kéo dài mãi lũng đoạn nền tảng hạnh phúc của nhau.

Nói chung, ý nghĩa lễ tiệc vẫn mãi mãi là truyền thống quý báu không những của người Việt, nói lên tinh thần đoàn kết, tương trợ có nhau, kết chặt và mở rộng “tình thương, mến thương” giữa con người.

Trớ trêu thay, thế hệ trẻ bây giờ phần lớn chạy theo mốt, hay bắt chước và học đòi những tiện ích hiện đại, xa xỉ để bằng hoặc hơn đàn anh đàn chị mới chịu mà ít khi chịu suy nghĩ đến câu “rộng làm kép - hẹp làm đơn” như thế hệ trước.

Tuần trăng mật chỉ thực sự vui khi đôi vợ chồng không vướng bận nỗi lo nợ nần sau ngày cưới. Và điều tốt đẹp luôn đến với những đôi bạn trẻ biết tiết kiệm đúng mức chi phí tiệc cưới, không cần tổ chức rềnh rang, mặc kệ miệng đời chê khen đám cưới nhỏ- lớn.

Bạn đọc TrucKhue1983@gamil.com:
Đã từng đi dự nhiều đám cưới nhưng tôi không thích cách tổ chức ở nhiều nhà hàng bởi nó quá rườm rà với những tiết mục không thật sự cần thiết.

Tại nhiều nhà hàng tổ chức tiệc cưới, trên thiệp mời ghi rõ giờ đón, giờ khai tiệc nhưng thời gian nhập tiệc khi nào cũng trễ hơn so với trên thiệp mời ít nhất 1 tiếng đồng hồ. Đã thế trước khi nhập tiệc lại bất đắc dĩ phải thưởng thức những màn trình diễn múa máy của nhà hàng kéo dài đến gần nửa tiếng đồng hồ, mà theo tôi là không cần thiết. Đó là chưa nói đến cách ăn nói, cách dẫn chương trình của một số người dẫn chương trình MC, khiến nhiều trường hợp cô dâu, chú rễ và bà con hai họ phải...dở khóc dở cười.

Bạn đọc Thu - Minh:
Diễn đàn về tổ chức tiệc cưới mà sggponline tổ chức thật cần thiết cho những người sắp làm đám cưới như chúng tôi. Qua đây chúng tôi xin ý kiến của các anh chị đi trước ai có kinh nghiệm hay, biết những nhà hàng tổ chức tiệc cưới nào vừa thân mật, vừa tiết kiệm và ấm cúng phù hợp với thu nhập của giới công chức thì chia sẻ cho chúng tôi. Xin cảm ơn.

Bạn đọc dominhhien (Bình Thạnh):
Tôi thường dị ứng  với nhiều MC ở các tiệc cưới hai điều: Nói quá nhiều, tranh giành để nói, nói mất cả phần của những người cần nói. Đành rằng MC dẫn dắt, định hướng, làm cho nội dung chương trình sáng tỏ, sâu sắc thêm nhưng không vì thế mà nói như tranh giành với người cần nói. Ngoài ra, một số MC thường dùng từ chia vui với cô dâu, chú rể, gia đình hai họ. Theo tôi, đúng ra phải nói là chung vui. Ấy thế mà mãi vẫn không chịu sửa làm cho người nghe cảm thấy khó chịu khi nghe từ này.

Bạn đọc pnhuhai@yahoo.com:
Về pháp lý, khi có giấy chứng nhận hôn nhân của chính quyền thì 2 người thành vợ chồng. Về nghi lễ: Cô dâu chú rể và hai gia đình đã có những nghi lễ tại gia rồi. Vì vậy, cần xác định rõ rằng tiệc cưới chỉ là hình thức ra mắt chia vui với bạn bè gia đình của cô dâu, chú rể.

Song để tiệc cưới trang trọng, văn minh, tiết kiệm, theo tôi nên làm cuộc cách mạng, hình thành dám cưới mới, như sau:  

- Gửi thiệp báo tin vui đến những người thân quen, không mời dự tiệc.

- Thành phần dự tiệc: chỉ mời những thân nhân hai họ, một số bè bạn rất thân của cô dâu chú rể (hạn chế). Số lượng khoảng 100-150 người thôi.

- Đúng giờ.

- Các nghi lễ trong tiệc cưới phải theo thuần phong mỹ tục. Bớt chi phí các khâu không thật cần như: múa, nhạc sống...Nên khuyến khích các người dự tiệc tham gia ca hát cho vui.

- Tránh lãng phí thức ăn, thức uống...trong tiệc cưới. Không đặt tiệc quá nhiều, ăn không hết.

- Tiệc cưới không mang tính kinh doanh, nên tiết kiệm để có lợi cho gia đình và cho cả những khách dự (bao thư mừng cũng nhẹ bớt, hiện nay bao thư dưới 2.000 đ/thiệp là khó coi, mà túi tiền khó đảm bảo, nên ai được mời dự tiệc lại thêm lỗ).

Vợ chồng tôi đã thực hiện tổ chức đám cưới như nêu trên. Sau đó có không ít người "trách" tôi. Tôi chỉ cười và mọi người cũng thông cảm.

Tin cùng chuyên mục