Cam Vinh là thương hiệu được trồng chủ yếu từ các giống cam Xã Đoài muộn, Xã Đoài sớm, V1, V2 (Valenxia), lòng vàng, PQ… Đây là những giống cam đặc trưng, được trồng trong vùng chỉ dẫn địa lý “Cam Vinh” gồm Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Con Cuông, Nghi Lộc. Nét đặc trưng của cam Vinh là thơm ngon, ruột vàng, vỏ chín đỏ...
Tuy nhiên, để trồng được các giống cam này không hề đơn giản, nhất là trồng trong điều kiện thời tiết xấu, sâu bệnh… Anh Nguyễn Văn An, một người trồng cam ở xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp) cho biết: “Năm nay gia đình tôi mất mùa vì cam bị sâu bệnh, không kết trái. Có được mấy trăm gốc có trái nhưng đến thời kỳ thu hoạch lại bị rụng hết quả. Gia đình tôi có hơn 3ha cam, sắp tới tôi dự định sẽ chặt hết diện tích bị sâu bệnh để trồng loại cây khác, chứ trồng cam kiểu này gia đình tôi phá sản mất”. Theo một số hộ trồng cam ở huyện Quỳ Hợp, năm nay chỉ có số ít gia đình giữ được sản lượng cam như các năm trước. Nguyên do là đợt mưa lũ hồi tháng 10 khiến nhiều diện tích cam bị ngập úng, cam bị rụng với số lượng lớn, ngoài ra còn do sâu bệnh.
Ông Cao Giang Nam, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Quỳ Hợp, cho hay: “Năm 2017 là một trong những năm cam Vinh tại địa phương có sản lượng kém nhất. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay vùng cam Vinh ở huyện Quỳ Hợp đã có hơn 5.000 tấn cam bị rụng nhưng chưa tìm được nguyên nhân dù có nhiều đoàn nông nghiệp trong và nước đến kiểm tra”. Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, cho biết: “Thương hiệu cam Vinh đã có chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, do lợi ích về kinh tế cây cam mang lại nên nhà nhà đua nhau trồng mà không hề quan tâm đến quy trình kỹ thuật, phân bón, thuốc trừ sâu...”. Đơn cử như vùng trồng cam Vinh ở huyện Quỳ Hợp, người dân các xã Minh Hợp, Nghĩa Xuân, Châu Đình, Văn Lợi, Hạ Sơn… đã trồng cam vượt quy hoạch của huyện đến năm 2020.
Từ vụ cam năm 2017, thực hiện chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh Nghệ An, Sở KH-CN đã in 550.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho 5 đơn vị đủ điều kiện được dán tem. Người tiêu dùng sẽ nhận biết được nguồn gốc cam bằng mắt thường, sử dụng điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng phần mềm quét mã QR để đọc các thông tin truy xuất nguồn gốc… Là phụ trách đơn vị được dán tem, ông Dương Đình Tấn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tấn Thanh (huyện Quỳ Hợp), cho biết, gia đình ông trồng cam từ năm 2010, đến nay đã có diện tích 5ha. Ngoài ra, ông cùng 9 hộ dân khác thành lập HTX Tấn Thanh với diện tích trên 30ha trồng cam. Ông Tấn cho hay: “Nhờ có con tem truy xuất nguồn gốc nên mỗi khi cam của hợp tác xã xuất bán được người tiêu dùng đón nhận ngay. Điều phấn khởi là giá cam năm nay đắt hơn năm ngoái khoảng 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều khách hàng phản ánh việc truy xuất nguồn gốc từ tem còn chậm. Hy vọng trong thời gian tới sẽ được khắc phục. Ban đầu, tôi thấy tỉnh nói hỗ trợ cho 15.000 tem và máy in tem, nhưng đến nay chưa thấy, chúng tôi phải mua máy, mua tem dán”.
Ông Nguyễn Văn Lập cho biết, hiện diện tích trồng cam Vinh ở Nghệ An khoảng 8.000ha, diện tích cho quả khoảng 3.000ha, năng suất trung bình 15-20 tấn/ha. Tuy diện tích lớn nhưng năng suất, sản lượng cam Vinh vẫn chưa đạt so với lợi thế, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. “Cùng với một số bất cập như quy hoạch vùng trồng cam, cách chọn giống cam, cách lai ghép mắt giống, giải pháp kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón..., thương hiệu cam Vinh thực sự đang gặp nhiều khó khăn để lớn mạnh, mở rộng thị trường. Để giải quyết được vấn đề này cần phải có quy hoạch tổng thể, tầm nhìn chiến lược cả về quy trình sản xuất, bảo quản và tiêu thụ. Có như vậy người trồng cam Vinh mới tránh được mất mùa, tạo được hiệu quả kinh tế cao, xóa đói giảm nghèo… tiến tới đưa thương hiệu cam Vinh phát triển một cách bền vững”, ông Nguyễn Văn Lập chia sẻ.