Theo các chuyên gia, để các ý tưởng, sản phẩm, kết quả nghiên cứu KH-CN sớm được triển khai trong thực tế, mang lại lợi ích, vấn đề thị trường KH-CN phải được đặt lên hàng đầu. Có thị trường, mô hình kinh tế dựa trên KH-CN mới phát triển.
Báo cáo của Bộ KH-CN cho biết, đến nay cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KH-CN, trong đó có 21 sàn giao dịch KH-CN. Giá trị giao dịch hàng hóa KH-CN tăng bình quân 20,9%/năm; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2016-2020 là 12,47%.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, thị trường KH-CN Việt Nam còn trầm lắng, nhiều vướng mắc trong vận hành, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ bên ngoài.
Nhiều kết quả nghiên cứu KH-CN trong nước có địa chỉ ứng dụng nhưng chưa chuyển giao được, chưa hoàn thiện về mặt công nghệ và khả năng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng cao nhưng khó tiếp cận nguồn cung chất lượng. Các tổ chức trung gian của thị trường KH-CN chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ còn yếu.
Để phát triển thị trường KH-CN, cần thúc đẩy nhu cầu đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực tiếp cận, làm chủ công nghệ mới của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp KH-CN cần tiếp cận thuận lợi hơn nguồn vốn hỗ trợ từ quỹ đầu tư phát triển KH-CN, các tổ chức tín dụng khi phát triển sản phẩm KH-CN.
Đối với việc định giá sản phẩm KH-CN từ các đề tài nghiên cứu có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cần phương pháp tiếp cận linh hoạt. Những sản phẩm hoàn chỉnh, thương mại hóa thành công sẽ được định giá đầy đủ, dựa trên lợi ích, hiệu quả đem lại cho xã hội...
Giải quyết những bài toán nói trên với quyết tâm cao và sự đồng bộ giữa các bộ ngành liên quan, thị trường KH-CN Việt Nam mới có thể phát triển như mong muốn. Thị trường phát triển mạnh mẽ, các ý tưởng, sản phẩm, công trình KH-CN được giao dịch thuận tiện, từ đó sinh ra tiền, thậm chí là rất nhiều tiền.