Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Sẽ phân hóa tốt hơn sau phân khúc điểm trên 5

Ngày 17-3, trao đổi với báo chí, GS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có một số điểm mới quan trọng, như có thêm định dạng câu hỏi mới là câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai và câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn.

Bộ GD-ĐT mới đây đã công bố về định hướng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Ngày 17-3, trao đổi với báo chí, GS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có một số điểm mới quan trọng, như có thêm định dạng câu hỏi mới là câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai và câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn. Năm 2025 sẽ là năm đầu tiên tổ chức thi theo chương trình GDPT 2018 thay cho chương trình 2016, do đó yêu cầu về kiểm tra, đánh giá năng lực của người học được đặt lên hàng đầu.

Đề thi từ năm sau sẽ phát huy trí tuệ toàn ngành và có tính mở. Nếu trước đây việc xây dựng câu hỏi thi từ đầu đến cuối đều bí mật tuyệt đối và được thực hiện bởi một số cá nhân nhất định thì bây giờ sẽ trên tinh thần phát huy sức mạnh của toàn ngành. Cụ thể, những câu hỏi hay, những bài thi tốt được các địa phương sử dụng và đã có kết quả thử nghiệm sẽ được lựa chọn đưa vào thư viện câu hỏi thi. Tuy nhiên, từ thư viện cho đến đề thi sẽ phải thực hiện thêm các khâu mà bộ đã có quy trình chuẩn nhiều năm nay, đảm bảo tính bảo mật của đề thi.

2-1016jpg-748.jpg
Ảnh minh họa

Một vấn đề xã hội còn băn khoăn là lứa học sinh sinh năm 2007 sẽ thi tốt nghiệp đầu tiên theo chương trình GDPT mới nhưng các em có tới 9 năm học THCS theo chương trình cũ, còn chương trình mới ở bậc THPT lại có nhiều sách giáo khoa khác nhau, do đó có thể gây khó khăn cho học sinh. Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Bộ GD-ĐT cũng đã tính toán việc đó, đảm bảo tính kế thừa sao cho không thay đổi quá nhiều để giáo viên và học sinh thuận lợi trong quá trình học, ôn luyện.

Bộ GD-ĐT cũng khuyến nghị các cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả thi để xét tuyển, bộ đã nghiên cứu để đề thi có tính phân hóa cao hơn nữa. Yêu cầu đặt ra là tăng độ phân hóa thuộc phân khúc điểm trên 5 để đánh giá được đúng những em nào là xuất sắc, giỏi. Cụ thể, việc phân hóa sẽ dựa trên 2 yếu tố. Thứ nhất là về kỹ thuật, định dạng đề thi với các câu trắc nghiệm đúng/sai, trắc nghiệm trả lời ngắn với các mức độ điểm khác nhau cho các câu trả lời, làm giảm tính xác suất; cùng câu hỏi nhưng yêu cầu học sinh phải có nền tảng kiến thức tốt, toàn diện mới có thể đạt điểm số tối đa. Kết quả thử nghiệm ban đầu trên 10.000 học sinh đã xác nhận điều đó. Thứ hai là câu hỏi hướng đến đánh giá năng lực học sinh, khả năng vận dụng kiến thức giải quyết bài toán thực tiễn chứ không phải những câu hỏi khó mang tính đánh đố. Những em nào có năng lực tốt sẽ làm bài tốt hơn, những kiến thức này gắn với chương trình, yêu cầu cần đạt. Các em phải có nền tảng kiến thức tốt hơn, toàn diện hơn mới có điểm số cao.

Tin cùng chuyên mục