Thí sinh Đỗ Đức Anh, học sinh Trường THPT Việt Đức, Hà Nội đánh giá đề thi dễ, phần đọc hiểu. “Em tự tin nhất câu 1 vì đó là câu ở dạng nhận biết, ai cũng làm được. Đề thi khá cân đối ở phần kiểm tra kiến thức và phân hóa, em tự tin đạt khoảng 7 điểm”, Đỗ Đức Anh nói. Thí sinh Đỗ Đức Anh cũng cho hay rất thích câu nghị luận về vấn đề ý chí để làm được nhiều việc lớn.
Thí sinh nhận xét đề thi "dễ thở"
Thí sinh Đặng Phương Thảo, học sinh hệ trung cấp Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội cho hay, em làm chỉ đạt khoảng 5-6 điểm, em thích câu nghị luận về sức mạnh ý chí của con người, gợi nhiều suy nghĩ, liên hệ cho thí sinh.
Tại điểm thi Trường THCS Phan Chu Trinh, Hà Nội, đến 9 giờ 35 mới có thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi. Các thí sinh đều cảm nhận đề Văn mức độ vừa sức, không đánh đố. Thí sinh Nguyễn Mạnh Sơn, học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội, đăng ký xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, đề Ngữ văn nằm trọng tâm trong chương trình lớp 12. “Em nghĩ đề này nhiều thí sinh "trúng tủ", phần đọc hiểu khó nhất, đây là câu hỏi để phân hóa. Liên tưởng đến những khó khăn trong cuộc sống để thúc đẩy ý chí con người. Em mất khoảng 10 phút để hoàn thành câu này” - thí sinh Mạnh Sơn nói.
Cùng trường với Sơn, thí sinh Phùng Hoàng Hiệp đăng ký xét tuyển vào Đại học Kiến Trúc cho biết, đề Ngữ văn sáng nay vừa sức với học sinh phổ thông. Không có câu hỏi nào khó và đánh đố. “Em ấn tượng với câu nghị luận, nhiều cảm xúc và đem lại cho người làm những suy nghĩ tích cực”, Hiệp nói.
Trong khi đó, cùng điểm thi, thí sinh Đặng Phương Thanh, học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đăng ký xét tuyển vào Đại học Thủ Đô nhận định, đề thi không khó, và có phần dễ do thí sinh này “trúng tủ”. “Em cảm thấy rất vui khi phần lớn đề thi sáng nay em từng ôn rất kỹ và làm tốt, em ấn tượng với câu hỏi nghị luận nêu lên ý chí con người. Trong đó em liên tưởng đến Nick Vujicic để hoàn thiện câu hỏi này”, Thanh cho biết.
Cô Nguyễn Thị Hương Thủy, giáo viên Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cho rằng, với những học sinh có lực học trung bình, có thể giải quyết được đề bài ở mức độ 50- 60%. Còn với em giỏi, có năng lực, biết suy tư, trăn trở, có thể phát huy được sở trường của mình khi cảm nhận được nội dung sâu xa của đề. “Cả hai phần đọc hiểu và làm văn đều là những vấn đề quen thuộc, đã được trình bày bởi những con người ở thế hệ trước. Những học sinh thuộc thế hệ ngày hôm nay khi làm bài có thể đối thoại được với thế hệ đi trước, thế hệ cha anh, để vừa thể hiện được sự suy tư khi kế thừa thành quả, vừa thể hiện được sự tiếp nối của thế hệ trẻ hôm nay”, cô Thủy nhận xét.
Tại điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu – Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), sáng 25-6, 76 thí sinh đã bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia là môn Ngữ văn. Ngay từ sáng sớm các em thí sinh đã tự đến trường, cùng nhau ôn tập trước khi vào phòng thi. Điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu – Côn Đảo Kết thúc môn thi Văn, nhiều thí sinh tỏ ra lo lắng trước câu số 2 trong phần làm văn. Mặc dù đã chuẩn bị khá kỹ cho môn Ngữ văn trong kỳ thi năm nay, anh Đoàn Văn Phương (46 tuổi, tại điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu), cho rằng anh khá bất ngờ với câu số 2 trong phần làm văn khi hỏi về tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, tuy nhiên anh Phương đã làm bài thi đến giờ cuối cùng và ước chừng được khoảng 60%. Còn theo em Nguyễn Anh Tuấn thì đề thi năm nay tương đối dễ và tự tin là làm được bài. Trong ngày thi đầu tiên, điểm thi THPT Võ Thị Sáu – Côn Đảo diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Lực lượng an ninh được bao bọc trước sau và trong điểm thi. |