Thành phố Thủ Đức vừa bước qua một năm tuổi (1-1-2021 - 1-1-2022). Dĩ nhiên không thể lấy cái tuổi “sơ sinh” để cân đếm sức vóc và tiềm năng phát triển của vùng đất phía Đông TPHCM; mà chính vì trên nền tảng dư địa, không gian và hệ sinh thái phát triển xã hội cùng nguồn lực con người - với tư cách vừa là kiến thiết, xây dựng vừa tương tác, thụ hưởng - thành phố trẻ này xứng đáng được thúc đẩy bằng một cơ chế đặc thù (thí điểm), được khích lệ và bảo vệ bằng hành lang pháp lý chặt chẽ, có giá trị phổ quát cao.
Một năm qua, trong điều kiện khách quan là đại dịch Covid-19 tấn công, ảnh hưởng rộng và sâu vào mọi mặt, mọi nơi của đời sống xã hội; dẫn đến, trong điều kiện chủ quan, TP Thủ Đức chưa thể hoàn thiện “bảng tổng phổ” quy hoạch đi kèm những “phụ lục” khung thể chế của một siêu đô thị, hay một thành phố trong thành phố hoặc dễ tiếp cận hơn là một đơn vị tương đương cấp tỉnh.
Dù vậy, những chuyển động đã có những tín hiệu hồi đáp khá tích cực: bước đầu, TP Thủ Đức đã có những tham mưu về cơ chế chính sách, bảo đảm hoạt động hiệu quả theo mô hình chính quyền thành phố trực thuộc thành phố trung ương đầu tiên trên cả nước; ra mắt trung tâm điều hành đô thị thông minh giai đoạn 1 thuộc đề án xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025; linh hoạt, kịp thời triển khai các giải pháp hiệu quả trên lĩnh vực y tế trong công tác phòng chống dịch. Các biện pháp y tế chủ động, hiệu quả ngay từ đầu nên số bệnh nhân trở nặng và tử vong tại TP Thủ Đức thấp hơn so với tỉ lệ chung toàn TPHCM và quan trọng là, trong năm 2021 có hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động mới với tổng số vốn đăng ký hơn 26.000 tỷ đồng, tổng thu ngân sách năm 2021 của TP Thủ Đức vượt chỉ tiêu đề ra…
Rõ ràng, như đã nói, TP trẻ này cần một bộ khung thể chế mở để khai phóng mọi tiềm năng, dư địa và sức phát triển mạnh mẽ của nó. Lộ trình này có liên quan đến việc rà soát, đánh giá các nghị quyết của Quốc hội như: Nghị quyết chính quyền đô thị (nhằm nâng cao hiệu quả chính quyền đô thị và không tổ chức HĐND quận phường); Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức (hướng tới việc tập trung để có một nghị quyết triển khai các cơ chế cho TP Thủ Đức trong thời gian sắp tới). Đặt trên nền của tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong những bài học rút ra cho TPHCM, hẳn sẽ có những nội dung cần thiết áp dụng cho TP Thủ Đức về mặt cơ chế, chính sách.
Thực tế đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi cho TP Thủ Đức hay cho những nhà “cầm cân nảy mực” đối với lộ trình vận hành, phát triển sắp tới của “thành phố trong thành phố” này.
Sau “cú bỏ cọc” của Tân Hoàng Minh (cùng với cú bán chui cổ phiếu của FLC) đã ít nhiều tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán lĩnh vực bất động sản, vậy cần có hành lang pháp lý chặt chẽ, sát thực như thế nào để đảm bảo hiệu quả cho việc tiếp tục triển khai đấu giá đất công. Cần rạch ròi giữa những “sự cố” và tính đúng đắn, hiệu quả của phương thức đấu giá tài sản công, vốn đã được kiểm nghiệm từ các nước. Tất nhiên, để tính minh bạch, công khai đi kèm công bằng trong một cuộc đấu giá đất công thì vai trò của nhà nước cần đảm bảo cán cân điều tiết của thị trường một cách phù hợp, nhạy bén và ổn định.
Từ đây, đặt ra tính đúng và chặt chẽ của pháp lý, tính hiệu quả của việc đấu giá tài sản công đối với 29 địa chỉ nhà đất do TP Thủ Đức quản lý dôi dư, không có kế hoạch và nhu cầu sử dụng trong năm 2022 -2023 sẽ như thế nào? Việc thí điểm thay đổi tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn TP áp dụng cho TP Thủ Đức sẽ mang lại hệ quả: tăng tỷ lệ trích ngân sách cho TP Thủ Đức sẽ là điều kiện tăng thu ngân sách cho TPHCM và cả nước…
Chúng ta đã vượt qua được cơn cuồng phong Covid-19. Giai đoạn tái thiết - phát triển còn là bước chuyển tiếp từ trong những điểm khiếm khuyết mà chúng ta đã nhận diện giữa cơn sống sót, hồi sinh. TP Thủ Đức có được những chủ động, linh hoạt để ứng phó và chuẩn bị căn cơ cho giai đoạn mở cửa. Nhưng, về mặt nào đó, một khi khung chính sách chưa được củng cố, kiện toàn thì sức người, ít nhiều bị tác động, nhất là về mặt tâm lý. Khi chưa thể khơi thông nguồn lực bằng cơ chế thì chính nó lại là lực cản của sự phát triển.
“Thành phố trong thành phố”, xét cho cùng thì cả hai cũng đều cần tiếp tục thực hiện các đầu việc “xương sống” đang được quy đổi bằng lượng lẫn chất, với một quyết tâm và đặt sự hiệu quả lên hàng đầu.