Nhằm giúp nhân dân có được những ngày vui tết an toàn, yên bình, Tổng Công ty Điện lực TPHCM và Cảnh sát PCCC TPHCM khuyến cáo người dân chủ động phòng cháy chữa cháy, nhất là các hoạt động thờ cúng, sử dụng điện tại nhà và buôn bán tại các chợ, trung tâm thương mại.
Cảnh sát PCCC TP kiểm tra ổ cắm điện tại các chợ, trung tâm thương mại
Thiếu tá Nguyễn Việt Trà, Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền (thuộc Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy - Cảnh sát PCCC TPHCM), cho biết: “Tại hầu hết các chợ và trung tâm thương mại (TTTM) trên địa bàn TPHCM, vào dịp lễ, tết có rất đông khách hàng đếm mua sắm. Trong khi đó, hành lang đi lại, lối thoát nạn... thường bị chiếm dụng để bày bán hàng hóa, tận dụng làm nơi chứa hàng; thậm chí có những TTTM không đảm bảo an toàn PCCC theo quy định. Do đó, khi xảy ra cháy sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho việc cứu người và cứu tài sản”.
“Vì thế, chúng tôi đề nghị các tiểu thương, hộ kinh doanh không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách giữa các lô, sạp hàng đã quy định. Tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ các chất đặc biệt nguy hiểm cháy nổ như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác trong lồng chợ. Tuyệt đối không thắp đèn, nến, hương thờ cúng và đốt vàng mã trong lồng chợ và TTTM. Không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, làm tường, vách ngăn, trần, quầy sạp hàng. Không làm thêm mái che, mái vẩy cũng như không bố trí quầy sạp, bãi để xe và vật tư, hàng hóa trong khoảng cách ngăn cháy giữa các khối nhà trong khu vực chợ với các khu vực lân cận. Bố trí hàng hóa, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy. Tách riêng hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy. Để hàng hóa dễ cháy có khoảng cách an toàn đến bóng điện, chấn lưu đèn, bảng điện tối thiểu 0,5m. Sử dụng nguồn nước chữa cháy và quản lý nguồn nhiệt, đúng theo quy định, cấm tuyệt đội tình trạng hút thuốc lá trong chợ…”, Thiếu tá Nguyễn Việt Trà khuyến cáo.
Hiện nay, tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn TPHCM đã trang trí đèn điện có màu sắc rực rỡ, lộng lẫy để đón tết. Ở nhà dân, các hoạt động gắn với việc sử dụng điện và dụng cụ, thiết bị tiêu thụ điện như bếp điện, quạt điện, bàn ủi, máy lạnh, dàn karaoke… với tần suất cao, khiến nguy cơ cháy nổ luôn thường trực.
Để đề phong nguy cơ cháy nổ do điện, theo Cảnh sát PCCC và Tổng Công ty Điện lực TP, người dân và các cơ sở kinh doanh cần chú ý đến những thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà đã quá cũ, phải được kiểm tra thường xuyên để sửa chữa hoặc thay thế. Đặt Áptômát hoặc cầu dao điện tổng cho đường dây điện chính trong nhà và từng đường dây điện phụ. Trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả thiết bị tiêu thụ điện, đồ dùng điện. Khi sử dụng bàn ủi, bếp điện, thiết bị bằng điện trở phải có người trông coi. Không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị thiểu năng... sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng điện. Không đặt các chất gây cháy (gas, xăng, dầu, giấy) gần đèn, bàn ủi, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện, chấn lưu đèn huỳnh quang… Thường xuyên kiểm tra các đầu nối của hệ thống điện (công tắc, ổ cắm, hộp đấu dây, mối nối trên đường dây), nếu có hiện tượng đánh lửa phải tách ngay ra khỏi nguồn điện. Đối với ô tô, xe máy... khi đưa vào gara, nhà ở nên rút chìa khóa ra khỏi ổ cắm để đề phòng chạm chập gây cháy…
Đặc biệt khi ra khỏi nhà phải kiểm tra kỹ các thiết bị sử dụng điện; ngắt toàn bộ hệ thống điện còn sử dụng. Ngoài ra, khu vực bếp phải đóng, khóa van bình gas và không đun nấu thức ăn khi không có người trông coi.
Không dùng các vật liệu dễ cháy như: gỗ, tấm nhựa, mút, xốp.. để ốp trần, làm vách ngăn. Nơi đun nấu phải được ngăn cách bằng các vật liệu không cháy. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho từng tầng, từng khu vực; có trang bị đèn chiếu sáng sự cố, bảng chỉ dẫn lối thoát nạn. Trang bị và sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC cần thiết như bình bột chữa cháy, bình CO2...
Tại nhà riêng, người dân không nên đặt bàn thờ sát vách lá, trần nhà và nơi có gió thổi vào trực tiếp. Đế đèn dầu, nến phải nặng, chắc để khi va chạm nhẹ không bị đổ vỡ. Khi đốt nhang, đèn thờ cúng phải có người trông coi, không đốt quá nhiều đèn, nhang cùng lúc; đốt vàng mã phải chọn nơi khuất gió, dội nước dập tắt hết tàn lửa ngay khi đốt xong.