Những thành tựu từ quá khứ
Văn học, lĩnh vực được xem là đi đầu và chủ chốt trong các loại hình nghệ thuật, đã chứng tỏ sự sát sao và nhanh nhạy trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đặc biệt là qua các cuộc kháng chiến giữ nước; nhờ đó đã để lại những thành tựu đáng kể trong nền VHNT nước nhà. Giai đoạn chống Pháp, chúng ta đã có những tên tuổi tầm cỡ như: Tố Hữu, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đội ngũ sáng tác văn học ghi dấu với: Nguyễn Minh Châu, Anh Đức, Bùi Hiển, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Đỗ Chu… Từ năm 1975 đến nay, mạch văn học về đề tài chiến tranh cách mạng được nối tiếp với Bảo Ninh, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Tiến Thụy…
Với điện ảnh, TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho rằng, đã có thời gian dài điện ảnh Việt Nam được xem là nền điện ảnh chiến tranh. Từ những tác phẩm đầu tiên, điện ảnh cách mạng Việt Nam luôn bám sát từng bước đi, thậm chí ở trong lòng mọi sự kiện lịch sử của dân tộc. “Thực tế cho thấy, dù là tác phẩm khai thác phẩm chất nổi bật của dân tộc Việt Nam hay thể hiện những góc khuất, bi kịch chiến tranh, dù là tác phẩm phản ánh chiến tranh trực diện hay nhìn chiến tranh một cách gián tiếp qua số phận con người đều có thể làm lay động lòng người, đều có thể tạo “cơn sốt” và có sức sống lâu dài theo thời gian. Điều quan trọng là chúng ta, từ các nhà quản lý, cơ quan nhà nước đến nhà sáng tác, các nghệ sĩ, cần có tư duy dài hạn, phù hợp với xu thế phát triển để có thể chủ động làm ra những tác phẩm xứng tầm, tái hiện được cuộc trường kỳ kháng chiến vĩ đại và tạo cho chúng cuộc sống thực sự trong xã hội”, TS Ngô Phương Lan nói.
Ở lĩnh vực sân khấu kịch nói, NSƯT-TS Lê Mạnh Hùng nhắc đến nhiều cái tên đã để lại dấu ấn qua các tác phẩm sân khấu về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng như Nguyễn Huy Tưởng, Đào Hồng Cẩm, Tào Mạt, Chu Nghi… Tuy nhiên, theo NSƯT-TS Lê Mạnh Hùng, nhiều năm qua, sân khấu về hình tượng người lính đã dần thưa vắng, không nhiều tác giả sáng tác về đề tài này. Ông thẳng thắn: “Những cây viết xông pha vào thực tế đời sống của chiến sĩ như thế hệ trước khá hiếm thấy. Do đó, chất lượng tác phẩm để khai thác sâu về hình tượng người lính hoặc đưa ra những vấn đề gai góc của đời sống chiến sĩ ngày nay chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” do Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức, diễn ra tại TPHCM ngày 25-4. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo hội thảo. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; cùng khoảng 200 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương…
Hội thảo đã nhận được 126 bản tham luận với các nội dung chính: đánh giá thực trạng của VHNT trong việc phản ánh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và quân đội ta trong 80 năm qua; VHNT tham gia phản ánh tầm vóc, ý nghĩa Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ở thời điểm 70 năm trước và những năm sau; vai trò của VHNT cách mạng trong việc phản ánh hiện thực đời sống thời chiến và hậu chiến...
Kỳ vọng tiếp nối
“Lịch sử của chúng ta quá hào hùng, sự mất mát, hy sinh quá lớn. Do đó, thế hệ chúng ta hiện nay vẫn còn nợ lịch sự chiến tranh cách mạng một tác phẩm sân khấu xứng tầm”. Đây là chia sẻ của NSƯT-TS Lê Mạnh Hùng, mặc dù ông nhắc đến lĩnh vực sân khấu, nhưng có lẽ đây cũng chính là “nỗi niềm chung” cho nhiều lĩnh vực khác. Dẫu vậy, trong bức tranh chung vẫn có tín hiệu từ những người trẻ, công chúng có thể kỳ vọng và trông chờ.
Có thể nhắc đến một trường hợp đặc biệt là tác giả Lê Khải Việt thuộc thế hệ 8X, hiện đang sống và làm việc tại TPHCM. Chỉ chưa đầy 3 năm, Lê Khải Việt liên tiếp ra mắt 2 tập truyện ngắn: Chuyến bay tháng ba và Khi trẻ người ta nghĩ khác. Trước 2 tập truyện ngắn này, người trong giới đều không biết đến Lê Khải Việt là ai, nhưng chỉ với hai tác phẩm trên, anh đã định hình trong lòng bạn đọc và giới chuyên môn về một tác giả có cách khai thác về đề tài chiến tranh đầy độc đáo khi lồng ghép khéo léo hiện thực và hư cấu.
Một gương mặt 8X ấn tượng khác là Nguyễn Thị Kim Hòa (hiện sống và viết tại Ninh Thuận). 10 năm trước, Nguyễn Thị Kim Hòa đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội với chùm tác phẩm lấy cảm hứng từ lịch sử, chiến tranh cách mạng: Hương thôn dã, Đỉnh khói và Thôi mùa cỏ cháy. “Các sáng tác về đề tài chiến tranh của tôi, tính tới thời điểm này, đa số đều về nỗi đau hậu chiến. Gần đây, tôi tập trung viết ở mảng thiếu nhi nên chưa trở lại với đề tài này”, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa chia sẻ.
Trong lĩnh vực điện ảnh, TS Nguyễn Thanh Đạt cho rằng, đối với thế hệ đạo diễn trẻ, việc đưa ra những câu chuyện về chiến tranh cách mạng trên màn ảnh rộng không chỉ là cơ hội để thể hiện tài năng mà còn đối diện nhiều thách thức đầy cam go. Bởi theo anh, những tác phẩm điện ảnh đề tài chiến tranh không chỉ đòi hỏi sự nhạy cảm, sâu sắc mà còn là sự tôn trọng đối với các góc nhìn đa chiều trong lịch sử cách mạng. “Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng thế hệ đạo diễn trẻ có đủ năng lực, tiềm năng và đặc biệt là sức sáng tạo mạnh mẽ để vượt qua những thách thức này, tạo ra những tác phẩm ấn tượng và ý nghĩa về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam”, TS Nguyễn Thanh Đạt chia sẻ.
TS NGUYỄN HOA BẰNG: Sáng tác mới sẽ thể hiện hiện thực chiến tranh khác ngày xưa
Đón nhận bầu không khí mới của dân tộc và thời đại, lớp người viết mới ngày nay đã có một cách nhìn, cách nghĩ, cách thể hiện hiện thực chiến tranh khác hơn. Đề tài chiến tranh với họ không còn là sự cô lập với các mặt đời sống khác của thời bình, của tâm lý và khát vọng con người trong thời bình. Không phải chỉ còn là sự giải tỏa ký ức của quá khứ hoặc sự trang trải những kỷ niệm dồn chứa của một thời, đề tài chiến tranh, với những người viết hôm nay sẽ gắn liền với sự sống nguyên khối gồm nhiều mặt đời sống khác đang diễn ra và ràng buộc với nhau trong muôn mặt của cuộc đời.
Nhà văn NGUYỄN THỊ KIM HÒA: Mong được gặp nhiều tư liệu sống
Là một tác giả sinh ra khi đất nước đã im tiếng súng, khó khăn nhất với tôi không phải việc tìm kiếm, xử lý tư liệu hay dựng không gian mà là hóa thân vào nhân vật, đặc biệt là các nhân vật trực tiếp tham gia các cuộc kháng chiến. Việc đặt mình - một người hoàn toàn chỉ biết đến chiến tranh trên giấy - vào vị trí của họ, cất lên suy nghĩ thay họ thật sự khiến tôi không khỏi nhiều lần tự hỏi: là nhân vật hay tôi đang nói?
Các bạn viết thế hệ 8X cùng thời với tôi cũng có nhiều người miệt mài theo đuổi đề tài chiến tranh cách mạng như Trần Thị Tú Ngọc, Lê Vũ Trường Giang, Đinh Phương; sang thế hệ 9X có Huỳnh Trọng Khang, Lê Quang Trạng... Cá nhân tôi chắc chắn sẽ còn trở lại với đề tài này. Từ các chuyến đi thực tế, tôi mong mình có thêm nhiều dịp được gặp gỡ các “tư liệu sống”, những người đã đi qua chiến tranh. Soi chiếu từ góc nhìn của họ, tôi tin có thể tìm được điểm nhìn của riêng mình.