* Phóng viên: Thưa ông, sau khi ngày hội "Bách hoa bộ hành 2024" diễn ra, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá đã lên tiếng cho rằng thực chất đây là một cuộc chơi của những bạn trẻ yêu thích cosplay (cosplay kết hợp từ “costume” - trang phục và “role play” - nhập vai), nhưng không rõ do cố tình hay thiếu hiểu biết mà tự định danh là “cổ phục Việt”, có thể gây hiểu nhầm. Ông có bình luận gì về vấn đề này, thưa ông?
* ÔNG BÙI HOÀI SƠN: Trước hết, tôi cho rằng, việc tổ chức sự kiện "Bách hoa bộ hành 2024" trong Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo Hà Nội là một tín hiệu đáng mừng, phản ánh xu thế lớp trẻ ngày càng quan tâm và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Việc hàng trăm người tham gia diễu hành trong những bộ cổ phục, không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia khác, cho thấy một tinh thần cởi mở, hòa nhập với thế giới mà không đánh mất bản sắc riêng.
Đây là minh chứng cho sự sáng tạo và năng động của thế hệ trẻ trong việc làm mới văn hóa truyền thống, đưa cổ phục thoát khỏi không gian bảo tàng để hiện diện sống động giữa đời thường.
* Nhưng có rất nhiều bộ trang phục được trình diễn không phải “cổ phục Việt”, mà mang dấu ấn ngoại lai, thậm chí phá cách, lai căng. Trong đó, nam giới Việt ngày xưa dạo phố, ra trận không thể để đầu trần, cởi trần, mặc quần trắng, đi "giày Gia Định bóng" lẫn giày bata...
* Ý kiến của các nhà nghiên cứu rằng sự kiện này có thể gây hiểu nhầm về cổ phục Việt cũng cần được lắng nghe. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu, phục dựng và định hướng sử dụng cổ phục sao cho chuẩn mực và đúng với giá trị lịch sử.
Để tránh những hiểu lầm không đáng có, vai trò của các cơ quan chức năng, nhà nghiên cứu và nghệ nhân là vô cùng cần thiết. Họ cần phối hợp chặt chẽ với cộng đồng trẻ, không chỉ cung cấp kiến thức mà còn hỗ trợ tổ chức các hoạt động có định hướng, đảm bảo rằng các sự kiện như vậy không chỉ dừng lại ở tính thẩm mỹ hay giải trí, mà còn thực sự tôn vinh di sản văn hóa dân tộc.
* Khi cấp phép cho hoạt động này, phải chăng cơ quan quản lý cần có sự xem xét kỹ càng hơn để “định danh” đúng bản chất sự việc, thưa ông?
* Tôi nghĩ việc quay về truyền thống không có nghĩa là gò bó trong khuôn khổ quá khứ, mà cần được thực hiện một cách linh hoạt, hòa quyện với dòng chảy sáng tạo của thời đại. Chính những sự kiện như "Bách hoa bộ hành" đã mở ra cơ hội để cổ phục trở thành một phần của đời sống hiện đại, giúp thế hệ trẻ không chỉ yêu mà còn tự hào hơn về cội nguồn văn hóa dân tộc mình. Nhưng đúng là khi xác định là “cổ phục Việt” thì phải nghiên cứu, phục dựng cho chuẩn mực và đúng với giá trị lịch sử.