Để sinh con không là áp lực

Cô bạn tôi sau 3 năm gặp lại, đã thấy bụng lùm lùm. Tôi ngạc nhiên: “Trời, 3 đứa rồi, sao giỏi dữ vậy?”. Bạn buồn buồn: “Chồng bắt giữ, chứ thật tình là mình mệt quá rồi…”. Chuyện sinh con bao nhiêu là đủ để có thể nuôi dạy chúng thành người, hay nỗi buồn của những người vợ có chồng thích nhiều con, vẫn không hiếm trong xã hội.

Bao nhiêu con là đủ?

Tâm không có công việc ổn định. Hàng ngày, ngoài việc lo cho 3 cô con gái, đứa đầu 12 tuổi, thì tối đến cô còn làm thêm việc thu tiền vé cho khu vui chơi thiếu nhi ở đầu chung cư. Chồng Tâm là kiểu một ông chồng mẫu mực, ngày làm 8 giờ xong về nhà, chơi và dạy con học hành, cũng chẳng có điều tiếng gì. Duy chỉ có điều, anh chàng thích có nhiều con và theo kiểu không chấp nhận cho vợ đi phá thai, nếu lỡ dính bầu. Đó là nguyên nhân mà Tâm sinh liền tù tì. Con cái một mình Tâm lo, vì hai bên nội - ngoại đều ngoài quê. 6 năm ngưng đẻ là do Tâm đi cấy que tránh thai, dĩ nhiên là nói dối chồng. 

Để sinh con không là áp lực ảnh 1 Hạnh phúc của một gia đình phải đến từ sự đồng cảm và chia sẻ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
                                                                                     
Gần đây, Tâm đi tháo que tránh thai vì sợ gặp sự cố. Sau tầm 2 tháng, Tâm dính bầu mà không hay, đến khi hay đã hơn 3 tháng. Tâm sự với chồng, anh nói ngay: “Giữ em ạ, anh vẫn thích có thêm con!”. Tâm lo lắng không phải vì lo cho sức khỏe của mình, mà vì nghĩ, bản thân gần 40 tuổi, kinh tế không khá giả, chỉ đủ sống; con sinh ra khi mẹ lớn tuổi, liệu có gặp vấn đề về sức khỏe hay không? Rồi, nuôi con ra sao, khi 3 đứa lớn cũng phải tiết kiệm dữ lắm mới lo nổi.

Nỗi lo lắng của Tâm cũng là nỗi lo của các bà mẹ sinh nhiều con. Cơm áo gạo tiền, rồi bằng cách nào để dạy con thành người khi con cái quá đông, cha mẹ có quá nhiều mối quan tâm khác. Việc quẩn quanh trong nhà với sữa tã, cơm cháo; rồi những trận khóc tưng bừng của con trẻ… cũng khiến người mẹ dễ trầm cảm; gia đình trục trặc vì tiền, vì trách nhiệm: “Nó là con ai? Nó là con tôi cũng là con anh, tại sao anh không phụ tôi chăm chúng?”.

Và người phụ nữ dễ sa vô câu chuyện: “Tại sao bạn bè thảnh thơi, chồng đưa vợ đi đây đó du lịch; còn mình thì ôm tã sữa với bầy con nheo nhóc”. Không thiếu những bi kịch gia đình, bi kịch hôn nhân xuất phát từ những tình huống trên.

Trên một diễn đàn của mẹ bỉm sữa, Huyền Mi, một bà mẹ trẻ 2 con, kể câu chuyện của mình: Tôi 25 tuổi, lập gia đình năm 21 tuổi, khi bạn bè còn ngồi trên ghế giảng đường. Lấy chồng cùng tuổi, ai cũng khen 2 đứa đẹp đôi, gia đình nhất định sẽ hạnh phúc lắm đây. Hạnh phúc đó chỉ có trong 3 năm đầu sau hôn nhân, khi tôi sinh liền 2 nhóc Bim và Boo. Ông bà hai bên cũng hài lòng vì 2 nhóc đều khỏe mạnh, xinh xắn. Nhưng tôi thì không được vậy. Có lẽ lập gia đình quá sớm, lại có con liền nên tôi thấy đó là một áp lực. Khi tôi dính bầu tiếp, tôi giấu chồng đi phá thai. Chuyện vỡ lở, cả gia đình chồng đều không chấp nhận. Nhưng, họ chỉ nghĩ cho họ, còn tôi thì sao? Tuổi thanh xuân của tôi sẽ ra sao nếu suốt ngày loanh quanh bỉm sữa?       

Câu chuyện của Huyền Mi nhận rất nhiều bình luận trái chiều, phần lớn là lời trách móc.

Chia sẻ cùng nhau

Chuyện triệt sản, đến giờ vẫn là câu chuyện tốn nhiều giấy mực. Có người bảo, đó là hành động nhẫn tâm, sao không “kiêng cữ” hay dùng các biện pháp ngăn chặn từ đầu. Nhiều người mẹ đơn thân lên án hành động trên; với họ, hạnh phúc của người phụ nữ, đó là làm mẹ. Nhưng phần còn lại ý kiến rằng, nên triệt sản nếu thực sự mình không có đủ sức khỏe, tiền bạc để lo cho con.  

Ở thời điểm này, chuyện đi “kế hoạch” cũng không hẳn chỉ dành cho phụ nữ, mà cánh đàn ông, phần lớn vì thương vợ, cũng chọn cách làm này. Nhưng nhiều đàn ông cũng cho rằng, chuyện “triệt” là chuyện của đàn bà. Họ sinh được thì triệt được, “nào đâu chuyện của tôi”. Không mấy đàn ông chịu đi triệt sản, và càng ít ông chồng dám công khai chuyện đó với người xung quanh mình. Tôi đã đọc một comment (bình luận) - dĩ nhiên là giấu tên, rằng: “Tôi ủng hộ chuyện đàn ông nên đi thắt ống dẫn tinh để vợ mình không phải sinh nữa. Vợ chồng tôi đã có 3 mặt con, tuổi chúng tôi cũng đã lớn. Sinh nữa thì không lo nổi. Tôi lại không muốn vợ mình chịu đau thêm vì đã mang nặng đẻ đau 3 lần rồi nên tôi chấp nhận đi làm thủ thuật. Nhưng dĩ nhiên, đàn ông Á Đông, mấy ai dám nói ra, xấu hổ chết đi được…”.

Suy cho cùng, sinh 1 con, 2 con, 3 con hay quyết chí làm “vợ chồng son”, chỉ kiếm tiền đi du lịch rồi về già vào viện dưỡng lão, nắm tay nhau đến cuối cuộc đời, là lựa chọn của từng gia đình. Tất cả tùy thuộc vào tính cách, nền tảng kinh tế gia đình và quan trọng là sự chia sẻ với nhau về hạnh phúc, về tương lai của các đôi vợ chồng. Có điều, hãy đặt mình vào vị trí những người phụ nữ trong gia đình mình, để có sự lựa chọn hoàn hảo nhất. Điều đó cũng chẳng mất gì, phải không các ông chồng? 

Tin cùng chuyên mục