Giải pháp tổng thể
Do điều kiện địa hình trên đường Nguyễn Hữu Cảnh có nhiều chỗ ngập chứ không chỉ một chỗ ngập trước chung cư The Manor. Mặt khác, hệ thống cống thoát nước ở lưu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện nay vừa phục vụ thoát nước mưa (cho mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh và khu dân cư 2 bên đường) lẫn nước thải sinh hoạt. Vì vậy, để giải quyết chống ngập trên toàn tuyến đường cần thực hiện theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 tập trung giải quyết chống ngập do mưa trên mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ở giai đoạn 2, tiếp tục giải quyết chống ngập cho toàn bộ lưu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (gồm cả các khu dân cư 2 bên đường); đồng thời tách nước thải đưa về trạm xử lý.
Bạn đọc Vũ Hải là kỹ sư cao cấp chuyên ngành cấp thoát nước, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nước và Môi trường TPHCM. KS Vũ Hải cũng có nhiều năm tham gia công tác giảng dạy ở bậc đại học về lĩnh vực nước và môi trường. Trước thông tin TPHCM thuê máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), KS Vũ Hải có một số ý kiến đề xuất bổ sung để có thể lựa chọn giải pháp tốt nhất chống ngập tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh nói riêng và TPHCM nói chung. Báo SGGP giới thiệu bài viết của kỹ sư Vũ Hải đến bạn đọc
Trong giai đoạn 1 cần thực hiện 3 giải pháp. Đầu tiên là phải phân chia lưu vực thoát nước theo địa hình. Mỗi lưu vực sẽ xây 1 hầm chứa nước mưa và 1 trạm bơm có công suất phù hợp để bơm nước mưa ra sông Sài Gòn hay rạch Thị Nghè khi mưa to gây ngập đường. Thứ hai, xây dựng hệ thống cống thoát nước mưa (mới) riêng cho đường Nguyễn Hữu Cảnh để dẫn nước mưa về các hầm chứa nước ở từng lưu vực và xây dựng một số trạm bơm công suất lớn như đã nói. Thứ ba, kiểm tra, tìm kiếm các đoạn cống thoát nước hiện hữu bị bể vỡ trên đường rồi sửa chữa, phục hồi khả năng thoát nước.
Ở giai đoạn 2, tiếp tục thực hiện 2 giải pháp chính. Thứ nhất là cải tạo hệ thống cống thoát nước hiện hữu ở khu dân cư 2 bên đường, thu nước mưa về các trạm bơm chống ngập đã xây dựng trong giai đoạn 1. Mở rộng dung tích hầm chứa nước và tăng công suất các trạm bơm chống ngập phù hợp. Thứ hai, xây dựng tuyến cống thu gom nước thải về trạm bơm nước thải hiện hữu (phục vụ bơm nước thải của toàn lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay). Lượng nước thải này trước mắt được bơm ra sông Sài Gòn nhưng tương lai thì thu gom, chuyển về trạm xử lý nước thải tập trung ở quận 2 (đang xây dựng) để xử lý.
Bài toán kinh tế
Về siêu máy bơm của Công ty Quang Trung cần lưu ý một số vấn đề sau.
Theo đó, không nên nối ống thép vào cống thoát nước hiện hữu và xem đó như ống hút để bơm nước như cách Công ty Quang Trung đang làm. Bởi việc nối ống như thế có thể gây khó khăn cho việc khởi động bơm, làm chậm trễ việc bơm nước khi mưa to và có thể gây sự cố cháy máy bơm khi nước trong cống chảy về không kịp và ống hút của máy bơm khô cạn. Để giải quyết bất cập này cần xây dựng các hầm chứa nước có dung tích phù hợp và bơm hút nước trực tiếp từ các hầm chứa này theo đúng quy phạm thiết kế, không nên hút nước trực tiếp từ cống.
Mỗi trạm bơm cũng phải theo quy phạm là có ít nhất 2 máy bơm. Trong đó, 1 máy bơm làm việc và 1 máy bơm dự phòng khi có sự cố. Việc Công ty Quang Trung chỉ lắp đặt 1 máy bơm công suất lớn hoạt động là rất nguy hiểm. Vì khi máy bơm có sự cố thì việc chống ngập sẽ hoàn toàn bị ngừng trệ. Mặc khác, việc có nhiều máy bơm trong 1 trạm sẽ có lợi khi khởi động bơm (do công suất điện khi bơm khởi động rất lớn) và có thể mở bơm theo cấp độ tăng dần khi bắt đầu mưa và khi mưa to sẽ rất phù hợp, tiện lợi. Ngoài ra, việc lắp đặt thiết bị tách bùn, rác cho máy bơm là rất tốt nhưng cần có phương án xử lý bùn, rác an toàn, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Một lưu ý khác là việc tính toán kinh tế cho giải pháp chống ngập bằng siêu máy bơm cần được tiến hành kỹ lưỡng, cẩn thận. Trong đó, cần tính đầy đủ kinh phí xây dựng công trình (bao gồm đất đai, bồi thường, mua sắm thiết bị máy móc, thi công xây dựng công trình, các chi phí khác…); chi phí vận hành, quản lý hàng năm và tính toán lượng nước mưa cần bơm hàng năm ra sông với các mức nhỏ nhất, trung bình và lớn nhất. Trên cơ sở các số liệu này mới có thể xem xét chi phí quản lý 12 -15 tỷ đồng/năm như Công ty Quang Trung đưa ra có hợp lý và chọn giải pháp này để chống ngập có phù hợp, hiệu quả hay không?
Tóm lại, đối với các điểm ngập cục bộ do địa hình tự nhiên trũng thấp, có thể dùng giải pháp tôn nền cục bộ đoạn đường trũng bị ngập và dùng bơm di động công suất lớn đưa nước mưa ra kênh, sông theo con đường ngắn nhất. Do đó, việc dùng “siêu máy bơm chống ngập” cho đường Nguyễn Hữu Cảnh là sự lựa chọn tốt, nếu như sau khi thử nghiệm có kết quả và có hiệu quả về kinh tế. Giải pháp này còn có thể áp dụng cho các nơi có điều kiện tương tự như đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tốt nhất là xây dựng các trạm bơm siêu lớn này tại các đập ngăn triều lớn của TPHCM để ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay. Các trạm bơm này sẽ hoạt động khi triều cường, mưa to, nước kênh rạch dâng cao gây úng ngập trên địa bàn TPHCM.
Sau khi thi công lắp đặt xong, máy bơm “khủng” của Công ty Quang Trung đã được vận hành thử nghiệm. Lần thứ nhất vào ngày 25-9, mưa chỉ 20mm không ngập nên phải dẫn nước triều cường làm đường ngập 50cm. Sau đó, siêu bơm vận hành và trong vòng 15 phút nước trên đường rút hết.
Ngày 30-9, nước triều thấp nhưng mưa trong 40 phút đạt 93mm. Nếu mưa trong 3 giờ có thể đạt 150mm. Lúc này Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP bàn với Công ty Quang Trung cho ngập 60cm mới bơm. Kết quả máy bơm 1 giờ 10 phút nước mới hết ngập nhưng một số điểm vẫn còn ngập nhẹ.
Theo Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TPHCM, kết quả thử nghiệm đã giảm ngập, hệ thống máy bơm phát huy có hiệu quả. Tuy vậy, phải thử nghiệm thêm trong điều kiện xuất hiện tổ hợp bất lợi mưa lớn kết hợp với triều mới đánh giá đầy đủ hiệu quả. Mặc khác, đây là phương pháp có thể sai số giữa phòng thí nghiệm và thực tế. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đánh giá hệ thống máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh đã có kết quả bước đầu; tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài TPHCM sẽ đầu tư hoàn thiện hệ thống thoát nước và mặt đường tại khu vực này.