Những thành công bước đầu
Sau gần 4 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) với sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân, cả nước huy động được 22.845 tỷ đồng triển khai chương trình OCOP. Đến nay, đã có 60/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân loại được 5.320 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020. Trong đó, sản phẩm 3 sao chiếm 62,05%, sản phẩm 4 sao chiếm 36,2%; sản phẩm 5 sao cấp quốc gia chiếm 1,72% với 20 sản phẩm.
Việc được gắn chứng nhận OCOP đã tạo lực đẩy giúp sản phẩm của nhiều HTX, cơ sở sản xuất mở rộng kênh tiêu thụ qua siêu thị, chợ truyền thống trên cả nước. Đặc biệt, một số sản phẩm còn được xuất khẩu qua các thị trường Australia, Canada, Trung Quốc, Singapore… và được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển sản phẩm OCOP được đánh giá vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể như tại Cà Mau, theo đánh giá của UBND tỉnh này, nhiều sản phẩm OCOP Cà Mau sau khi đạt chứng nhận vẫn chưa phát huy hết tiềm năng khi tỷ lệ sản phẩm vào siêu thị và hệ thống bán lẻ trên cả nước chưa cao. Điều này xuất phát từ việc nhiều HTX, doanh nghiệp chưa chú trọng khâu quảng bá, mẫu mã, bao bì sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu khách hàng. Đáng buồn hơn, tại nhiều địa phương, không ít sản phẩm hiện đã có chỗ đứng trên thị trường, nhưng do hạn chế của cơ sở sản xuất, sự thiếu quan tâm của địa phương dẫn đến việc phải dừng sản xuất và đưa ra khỏi chương trình.
Mở rộng kết nối, nâng tầm sản phẩm OCOP
Để khắc phục những hạn chế trong phát triển sản phẩm OCOP, ngay từ đầu năm 2022 khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các địa phương trên cả nước đã liên tục tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn cũng như hội chợ nhằm tăng cường kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP. Chỉ riêng 1 tháng qua, các địa phương như Cà Mau, Đồng Tháp, Quảng Ninh đã liên tục tổ chức các hội chợ chuyên về sản phẩm OCOP nhằm kết nối, giới thiệu sản phẩm đến nhà phân phối và đông đảo người tiêu dùng.
Chẳng hạn tại Cà Mau, cuối tháng 4, tỉnh này đã tổ chức Hội nghị kết nối giao thương sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2022, nhằm giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh đến doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp phân phối trong và ngoài tỉnh. Cũng trong tháng 4, tại Đồng Tháp, Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL được tổ chức, mở ra không gian kết nối cho các doanh nghiệp, HTX để đưa những sản phẩm đặc trưng của địa phương vươn xa hơn. Mới đây nhất, tại Quảng Ninh, “Hội chợ OCOP Quảng Ninh hè 2022” với sự hội tụ của sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP của hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp, HTX thuộc 42 tỉnh, thành phố trong nước đã kết thúc thành công. Chỉ trong vòng 6 ngày diễn ra, hội chợ đã đạt tổng doanh thu 16 tỷ đồng. Theo ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc HTX Nông - lâm - ngư nghiệp Thái An (TP Móng Cái, Quảng Ninh), hội chợ đã tạo cơ hội để đơn vị này nắm bắt, tiếp thu, đón nhận các ý kiến từ thị trường để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Cùng với hoạt động trên, Sở Công thương các tỉnh Long An, Cà Mau, Bình Phước, An Giang… cho biết đang rất tích cực làm việc với các nhà phân phối lớn như Co.opmart, Top Market, siêu thị Tứ Sơn… để đưa sản phẩm OCOP vào tiêu thụ. Điển hình là tháng 3 vừa qua, Sở Công thương Bình Phước đã phối hợp với siêu thị Co.opmart Đồng Xoài xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP như hạt điều, hạt tiêu, cà phê, mật ong, yến sào, mít sấy… tại siêu thị. Sau thành công của điểm bán đầu tiên này, hiện địa phương dự kiến sẽ mở thêm điểm bán mới tại siêu thị Co.opmart Đồng Phú vào tháng 8 tới.