Để Sài Gòn - TPHCM duyên dáng hơn

Bên cạnh những tòa nhà lộng lẫy, những con phố hiện đại; những bờ sông, bờ kênh thơ mộng… gợi nhớ, gợi thương cho người dân và du khách, Sài Gòn - TPHCM còn có một không gian khác chưa được chăm chút, giữ gìn. Đó là những ngóc ngách, con hẻm ngoằn ngoèo, những hố ga, những kênh rạch đầy… rác và bụi. Vì sao Sài Gòn - TPHCM còn kém hấp dẫn, kém duyên dáng? 
Vứt rác xuống kênh, rạch sẽ gây tắc nghẽn dòng chảy Ảnh: THÀNH TRÍ
Vứt rác xuống kênh, rạch sẽ gây tắc nghẽn dòng chảy Ảnh: THÀNH TRÍ

Lấm lem và bốc mùi

Theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, trung bình mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng 9.000 - 12.000 tấn rác sinh hoạt, cao điểm lên đến 15.000 tấn. Cùng tỷ lệ thuận, rác thải xây dựng cũng tăng từ 500 tấn/ngày lên 1.500 tấn/ngày, rác thải nguy hại tăng từ 150 tấn/ngày lên gần 500 tấn/ngày, rác thải y tế tăng từ 13 tấn/ngày lên gần 100 tấn/ngày… TPHCM có 2 khu xử lý rác lớn là Đa Phước (huyện Bình Chánh) và Phước Hiệp (huyện Củ Chi) đảm nhận xử lý cho toàn bộ số rác nêu trên. Trung bình mỗi năm TPHCM chi hơn 2.000 tỷ đồng cho công tác vận chuyển (của các đơn vị công ích) và xử lý rác. TPHCM còn có hàng ngàn công nhân quét dọn, giữ gìn vệ sinh đường phố. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực này, một số khu vực ở TPHCM vẫn bị lấm lem và bốc mùi vì rác và vì nhiều hành vi mất vệ sinh khác như tiêu tiểu bậy...

Là đô thị, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, không thể nói cư dân TPHCM không ý thức được tầm quan trọng của vấn đề vệ sinh, sạch đẹp. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, chính tâm lý “chỉ cần nhà mình sạch” đã khiến nhiều người vô tư vứt rác bừa bãi. Cũng có ý kiến cho rằng, nhiều người nhập cư từ các miền quê xa mang theo thói quen “làng, xã” tới thành phố và đây mới chính là những người vứt rác bừa bãi nhiều nhất. Chưa có ai thống kê việc này, song phải giải thích như thế nào về hiện tượng người Việt Nam qua Singapore không dám vứt rác, nhưng về nước thì thoải mái làm điều đó? Phải chăng vì Singapore phạt rất nặng hành vi vứt rác, tiêu tiểu bừa bãi, còn ta thì không. Và chính điều này đã làm cho tâm lý “chỉ cần nhà mình sạch” tồn tại.

Cách nay hơn 2 năm, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực với nhiều mức chế tài tăng gấp 10 lần, được kỳ vọng sẽ giúp TPHCM giảm thiểu được vấn nạn vứt rác bừa bãi, tiêu tiểu không đúng nơi quy định, nhưng thực tế lại không như kỳ vọng. Thiếu người thi hành nhiệm vụ xử phạt, cũng như thiếu các trang thiết bị hỗ trợ như camera giám sát… được coi là những nguyên nhân chính khiến công tác xử lý vi phạm không hiệu quả.
TPHCM cũng có khá nhiều phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường. Tiêu biểu là các chương trình Chủ nhật xanh ra quân quét rác, khơi thông kênh rạch, phong trào khu phố văn minh, văn hóa… Thế nhưng, mới chỉ là phong trào. Nhiều tuyến kênh rạch, ngóc ngách trong các tuyến hẻm vừa được làm sạch một thời gian ngắn đã thấy đầy rác trở lại. Sau hiệu ứng tích cực từ buổi gặp gỡ chuyên đề “Lắng nghe và trao đổi” giữa HĐND TPHCM và các công nhân làm công tác vệ sinh, TPHCM đang triển khai rộng rãi cuộc vận động người dân không vứt rác bừa bãi. Cuộc vận động mà ghi nhận của người viết bài này, bước đầu đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, ngụ tại quận 1, người đã “xem từ đầu đến cuối” buổi gặp gỡ chuyên đề, cho biết thật sự xúc động trước những khó khăn, cực nhọc, nguy hiểm mà các công nhân vệ sinh phải đối mặt khi trong rác có rất nhiều thứ nguy hiểm do người dân vứt ra như kim tiêm, sắt han rỉ… “Tôi sẽ không bao giờ vứt rác bừa bãi và cũng nhắc con cháu làm như vậy”, bà Trang nói. Thế nhưng, cuộc vận động có triển khai lâu dài? Còn phải chờ xem vì như đã nói ở trên, nhiều phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường của thành phố là “đầu voi, đuôi chuột”.

Thay đổi cách làm
 
Theo một cán bộ ở Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (xin được phép giấu tên), ở góc độ cá nhân, lý giải về việc những khu vực được làm sạch từ các phong trào vệ sinh môi trường nhưng sau đó không lâu đã đầy rác trở lại là vì không gắn trách nhiệm giữ gìn vệ sinh với một đơn vị hay cá nhân cụ thể. Vị cán bộ này nói, giá như sau khi quét dọn, việc giữ gìn vệ sinh được giao lại cho chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương (nếu quá bận), có thể giao xuống cho cấp dưới như Đoàn thanh niên, hội phụ nữ phường… Đoàn thanh niên hay hội phụ nữ xuống nhà các hộ dân sinh sống quanh đó, vận động họ không vứt rác bừa bãi ra đường. Có thể có trường hợp người dân ở nơi khác tới vứt rác, nhưng nếu có sự hỗ trợ giám sát của người dân tại chỗ, hiện tượng này cũng sẽ giảm thiểu tối đa.

Và cũng không nên chỉ dừng ở việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, để Sài Gòn - TPHCM hấp dẫn hơn, duyên dáng hơn và giữ cho thành phố được sạch sẽ lâu dài, theo nhiều chuyên gia về quản ý đô thị, còn cần làm cho từng góc phố, con hẻm với đầy đủ các ngóc ngách, các tuyến kênh, rạch đẹp hơn. Kinh nghiệm quản lý đô thị ở nhiều quốc gia cho thấy, nếu những nơi này có được bàn tay chăm sóc của các nhà chuyên môn như kiến trúc sư, những nhà văn hóa, làm du lịch… và sự đồng tình ủng hộ của người dân, sự đóng góp về tài chính của doanh nghiệp thì chúng sẽ có điều kiện thay đổi tốt đẹp hơn. Một góc phố nếu được quét dọn sạch, bàn ghế, xe của người dân và khách ở các quán ven đường được xếp gọn, có thêm vài chậu cây xanh với những bông hoa khoe sắc chắc chắn sẽ không chỉ làm người dân thêm yêu cái đẹp và có động lực giữ gìn nơi sinh sống của mình mà còn làm say lòng du khách. Kinh phí để thực hiện việc này không cao. Vài chậu hoa chỉ có giá vài trăm ngàn đồng. Cái khó ở đây là mọi người liên quan có muốn tham gia?
Cũng theo vị cán bộ trên, so với nhiều đô thị khác trên thế giới, TPHCM rất đẹp và duyên dáng với các con kênh uốn lượn và nhiều tòa nhà đẹp. Thế nhưng, vì sao nhiều du khách đến thành phố chỉ một lần hoặc có lưu trú cũng không ở lâu? Và vì sao người dân TPHCM vẫn phải đối mặt với ô nhiễm môi trường? Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó chắc chắn phải có yếu tố mất vệ sinh, kém sạch sẽ của nhiều con phố, tuyến kênh rạch. Bộ Xây dựng cũng như TPHCM đã ban hành nhiều quy định liên quan đến quản lý kiến trúc như quy định về tầng cao, màu sơn nhà, khoảng lùi của từng ô cửa sổ… nhưng chưa có quy định nào về làm đẹp những góc phố, con hẻm với nhiều ngóc ngách. Mong rằng, trong thời gian tới đây, cùng với việc quy hoạch, quản lý không gian kiến trúc đô thị, ngành chức năng quan tâm hơn tới những nơi trên.

Ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, nêu ý kiến: “Sở Quy hoạch - Kiến trúc rất ủng hộ việc làm cho Sài Gòn - TPHCM đẹp hơn, duyên dáng hơn. Bởi lẽ việc này không chỉ tốt cho bộ mặt mỹ quan thành phố mà còn tốt cho cả người dân. Đơn cử, sau khi đường Bùi Viện được tổ chức thành phố đi bộ với nhiều hoạt động mới, giá trị nhà đất ở đây đã tăng lên đáng kể. Người dân kinh doanh, buôn bán cũng tốt hơn. Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẵn sàng tham gia từ khâu tạo ý tưởng thiết kế, thiết kế và kết nối các đơn vị, doanh nghiệp cùng làm đẹp không gian công cộng cho Sài Gòn - TPHCM. Tuy nhiên, không nên triển khai đại trà mà nên làm thí điểm trước ở một số phường ở quận trung tâm, rút kinh nghiệm rồi mới làm dần ra các quận huyện ven”.

Tin cùng chuyên mục