Với những nội dung của quy định này, chắc chắn rằng các tầng lớp nhân dân sẽ rất phấn khởi và tin tưởng hơn vào quyết tâm PCTN của Đảng, Nhà nước. Khi các nội dung trong quy định nói trên triển khai có hiệu quả sẽ bịt được những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật đối với công tác PCTN hiện nay.
Với Quy định 01, một lần nữa Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định: “Đảng viên ở bất kỳ cương vị công tác nào, có dấu hiệu tham nhũng đều phải được xem xét làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và không có vùng cấm”. Các nội dung quy định trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT (từ cấp huyện và tương đương trở lên) theo Quy định 01 đặt ra, đồng thời cũng là giải pháp cho những vấn đề đang rất nóng hiện nay liên quan công cuộc đấu tranh PCTN.
Đáng lưu ý nội dung quy định khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết tố cáo về tham nhũng, UBKT có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh; khi cần thiết thì đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện bỏ trốn…
Có thể thấy, thời gian qua rộ lên tình trạng cán bộ lãnh đạo từ cấp cao đến cấp thấp trốn ra nước ngoài hoặc viện cớ xin đi nước ngoài để khám chữa bệnh rồi bỏ trốn khi có dấu hiệu hoặc đang bị điều tra tham nhũng. Tình trạng phổ biến đến mức có nhận định cho rằng, hiện tượng cán bộ sai phạm viện cớ ra nước ngoài chữa bệnh để bỏ trốn không còn lạ ở Việt Nam, từ cán bộ diện Trung ương quản lý như Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) liên quan đến các sai phạm hàng trăm tỷ đồng tại Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), đến một nữ trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai do có dấu hiệu lợi dụng việc được giao thực hiện hợp đồng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ xây dựng diễn tập chữa cháy rừng để chiếm đoạt hơn 113 triệu đồng).
Đặc biệt, những ngày qua, dư luận đang “nóng ran” với phiên tòa xét xử vụ 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Hòa Bình do nhiều vấn đề liên quan vụ án chưa được làm rõ thì ông Trương Quý Dương, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, đã xuất cảnh ra nước ngoài (?!). Trong khi trước đó, ông này bị kỷ luật cách chức do không hoàn thành nhiệm vụ quản lý điều hành, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng trong sự cố y khoa nói trên. Như vậy, Bộ Chính trị đặt ra vấn đề chủ động ngăn chặn đảng viên có dấu hiệu vi phạm trốn ra nước ngoài là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Không chỉ đảng viên tham nhũng bị xử lý, quy định cũng nói rõ tổ chức đảng và những đảng viên nào có hành vi dung túng, bao che hành vi tham nhũng hoặc cản trở, can thiệp trái quy định vào việc xử lý các vụ việc tham nhũng cũng bị xử lý. Rõ ràng, có thể thấy trong suốt thời gian qua, công tác đấu tranh PCTN của Đảng, Nhà nước còn nhiều hạn chế có nguyên nhân từ tình trạng dung túng, bao che, thậm chí can thiệp do lợi ích nhóm. Và một khi công cuộc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước với một quyết tâm chính trị cao như hiện nay thì ngoài việc loại ra khỏi bộ máy những con người suy thoái, tham nhũng, điều quan trọng hơn nữa là thu hồi bằng được tài sản về cho Nhà nước, cho nhân dân. Do vậy, việc đặt ra trách nhiệm đối với UBKT yêu cầu đảng viên giữ nguyên hiện trạng tài sản, trường hợp cần thiết có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và các biện pháp khác theo quy định đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện che giấu, tẩu tán tài sản… là việc cần phải làm ngay.
Phân tích một số điểm mới có tính mấu chốt trong Quy định 01, một lần nữa cho thấy Đảng đã lắng nghe, thấu hiểu được tiếng lòng của nhân dân về thực tiễn đấu tranh PCTN hiện nay. Quy định 01 được hiểu là Đảng tiếp tục phát huy công cụ của mình trong công tác đấu tranh PCTN; cụ thể ở đây, UBKT các cấp được trao thẩm quyền và trách nhiệm nhiều hơn trong PCTN. Tuy nhiên, liệu UBKT các cấp quận - huyện, tỉnh - thành có dũng cảm sẵn sàng nhập cuộc đương đầu đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng theo đúng quyền hạn và trách nhiệm mà Đảng đã giao phó vì lợi ích của đất nước, của nhân dân? Đặt ra câu hỏi lớn này vì thực tế, thời gian qua rất nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng xảy ra tại các địa phương nhưng hầu hết các vụ này do nội bộ tố nhau hoặc khi báo chí hay cơ quan Trung ương vào cuộc thì mới vỡ lẽ. Khi đó, hậu quả đã quá nặng nề, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước vô cùng lớn, đồng thời mất nhiều thứ khác: mất tiền của dân, mất thời gian, mất cán bộ… nhưng khó hoặc không thể khắc phục nổi.
Quy định 01 ban hành là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi Bộ Chính trị đã nhìn thấy rõ được các tồn tại, bất cập trong công tác PCTN thời gian qua. Tuy nhiên, để công cuộc đấu tranh PCTN đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thực tế thì tiến tới cần tính toán giải pháp tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan PCTN như: UBKT, Thanh tra, Ban Nội chính… theo cơ cấu ngành dọc, chịu sự chỉ huy của một đầu mối cao nhất từ Trung ương, tránh bị chi phối bởi các cấp trung gian, địa phương; đồng thời phải có cơ chế tuyển chọn nhân lực cũng như giám sát hiệu quả đối với lực lượng (nhất là người đứng đầu) của các cơ quan này. Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng lạm dụng quyền lực để làm méo mó công lý.