Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vừa cứu sống bệnh nhi N.T.T.T. (11 tuổi, ngụ tỉnh Long An) bị ong vò vẽ đốt 52 vết khi đang đạp xe. Bệnh nhi nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng lơ mơ, tụt huyết áp, phải thở oxy và tiêm adrenalin, sau đó được chuyển lên TPHCM.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi hôn mê, tím tái, tổn thương gan thận, suy hô hấp. Bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản và chống sốc phản vệ theo phác đồ, lọc máu liên tục 3 đợt. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhi thoát cơn nguy kịch.
Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận trẻ nguy kịch do rắn hổ đất cắn nhưng gia đình đưa đi thầy lang hút nọc. Thời điểm nhập viện, bệnh nhi suy hô hấp, hôn mê, được truyền 8 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, hàng loạt trẻ nhỏ nhập viện ngay từ đầu hè vì tai nạn như ngã vào nồi nước sôi, bị điện giật khi chơi thả diều, ăn trúng bả chó…
Theo BS-CK2 Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, tai nạn thương tích ở trẻ em xảy ra quanh năm nhưng gia tăng mạnh vào dịp hè. Đây là thời điểm trẻ được nghỉ học, đi du lịch, về quê hoặc không được gia đình kiểm soát chặt chẽ. Các tai nạn thường gặp gồm bỏng (điện, xăng, hóa chất), đuối nước, ong đốt, rắn cắn, tai nạn giao thông.
Thống kê của Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm cả nước có hơn 370.000 trẻ em dưới 16 tuổi bị tai nạn thương tích, trong đó 6.600 trường hợp tử vong. Nhiều trẻ phải gánh chịu hậu quả lâu dài về sức khỏe, tâm lý, thậm chí khuyết tật. Tai nạn đuối nước vẫn là nỗi đau dai dẳng gây ra di chứng não và cướp đi tính mạng khoảng 2.000 trẻ/năm. Con số này đang được nỗ lực kéo giảm với sự phối hợp của các bộ, ngành, nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Tính riêng tại TPHCM, năm 2023 đã ghi nhận hơn 19.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó khoảng 8.000 trường hợp xảy ra tại nhà. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, nhiều phụ huynh để trẻ ở nhà một mình trong dịp hè vì không có sự trợ giúp của người thân, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Do vậy, cần trang bị cho trẻ kỹ năng đề phòng điện giật, cháy nổ; kỹ năng xử trí vết thương; hạn chế tiếp xúc với người lạ, cách liên hệ tìm trợ giúp.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM khuyến cáo, phụ huynh cần hết sức thận trọng khi đưa trẻ đi tham quan hoặc dã ngoại, luôn giám sát trẻ trong tầm mắt. Tại gia đình, không để trẻ nhỏ chơi một mình hoặc để đồ vật có nguy cơ gây thương tích trong tầm tay trẻ, cảnh giác nếu quanh nhà có ao hồ. Khi xảy ra tai nạn đuối nước, người sơ cứu cần xử trí đúng cách để cứu sống và giảm nguy cơ di chứng cho trẻ.