Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã có một số trường hợp học sinh bị thương, bị bỏng do sự cố cháy nổ xảy ra trong quá trình tham gia thực hành thí nghiệm sinh học, hóa học tại các trường học. Điển hình như vụ việc xảy ra tại một trường trung học cơ sở ở Nghệ An vào tháng 2-2019 mới đây. Trong lúc thực hành thí nghiệm, chất hóa học phản ứng đã làm nổ ống nghiệm khiến mảnh thủy tinh văng ra gây thương tích cho 3 học sinh. Trong đó, một học sinh bị thương nặng mắt trái.
Hồi tháng 1-2018, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) tiếp nhận hai học sinh bị bỏng cồn khi làm thí nghiệm sinh học tại một trường học ở TP Cần Thơ chuyển lên. Trước đó, vào tháng 1-2017, vụ nổ xảy ra trong phòng thí nghiệm hóa học ở Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), khiến 3 học sinh bị bỏng, trong đó có một em bị bỏng rất nặng... Đây chính là những hồi chuông cảnh báo để các trường học cần quan tâm và đầu tư nhiều hơn đến vấn đề này.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, những vụ cháy nổ trong lúc thí nghiệm sinh học, hóa học tại các trường thường xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, như sự đùa nghịch của học sinh và thiếu giám sát chặt chẽ quy trình thực hành của giáo viên nhằm đảm bảo sự an toàn cho học sinh. Khi xảy ra cháy nổ, sự hoảng loạn của học sinh và cả giáo viên khiến công tác xử lý bước đầu kém hiệu quả.
Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TPHCM), cho biết thời gian qua, đơn vị đã tiến hành kiểm tra an toàn PCCC đối với nhiều trường học trên địa bàn quản lý. Trong đó, tập trung xem xét việc thực hiện những điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại khu vực thực hành thí nghiệm sinh học, hóa học. “Phòng thí nghiệm tại trường học cần trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị PCCC tại chỗ và một số phương tiện bảo hộ lao động cần thiết như khẩu trang, găng tay, mắt kính cho cả giáo viên và học sinh khi tham gia thực hành thí nghiệm. Đặc biệt, tăng cường công tác huấn luyện kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng chống cháy nổ, cũng như phổ biến những giải pháp an toàn cho học sinh khi tham gia thực hành thí nghiệm sinh học, hoá học...”, Đại tá Huỳnh Ngọc Quan đề nghị.
Để đảm bảo an toàn tại các phòng thí nghiệm sinh học - hóa học, lực lượng PCCC (Công an TPHCM) khuyến cáo nhà trường thực hiện một số giải pháp sau:
- Lãnh đạo nhà trường phải tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ.
- Các phòng thí nghiệm hóa học trước khi đi vào hoạt động phải được thẩm định, nghiệm thu về PCCC.
- Khi xảy ra sự cố, giáo viên phải thật bình tĩnh, hướng dẫn học sinh thoát nạn an toàn và thông báo ngay đến lực lượng PCCC chuyên nghiệp qua số điện thoại khẩn cấp 114
- Tập huấn cho giáo viên, cán bộ, công nhân viên và học sinh biết sử dụng thành thạo thiết bị PCCC tại chỗ.